Độc lập treo

Trong cuộc họp đầu tiên của Nghị viện vùng Catalonia sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10, người đứng đầu vùng này là ông Carles Puigdemont đã đưa ra một tuyên bố. Tuy nhiên, đây không phải là một tuyên bố độc lập và cũng không phải là một tuyên bố từ bỏ độc lập. Cụ thể, ông Puigdemont hứa hẹn rằng “Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập”.

catlonia_eqjz.jpg
Catalonia sẽ không sớm giành được độc lập. Ảnh: AP

Tuyên bố này được Nghị viện Catalonia ký thông qua nhưng rồi ngay lập tức, chính ông Puigdemont lại quyết định tạm treo tuyên bố này, tức là tuyên bố độc lập của vùng Catalonia sẽ không có hiệu lực trong vài tháng tới.

Có thể nói, các lãnh đạo phong trào ly khai ở Catalonia đã lựa chọn một giải pháp trung gian, tức là không tuyên bố Catalonia độc lập ngay lập tức nhưng cũng không tuyên bố từ bỏ ý định ly khai.

Việc này xuất phát từ hai lí do. Một, là để mở đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha trong thời gian tới, mà đây mới thực sự là mục tiêu chính trị quan trọng nhất của những diễn biến ly khai trong thời gian qua. Hai, là trước sức ép và sự phản đối ngày càng tăng từ nhiều phía và nguy cơ rơi vào tình thế bất lợi, phe ly khai ở Catalonia không dám tuyên bố độc lập ngay lập tức.

Tất nhiên, đối với những người ủng hộ việc vùng Catalonia ly khai thì việc ông Carles Puigdemont lựa chọn giải pháp trung hoà này bị xem như là điều đáng thất vọng. Ngay trong buổi tối 10/10, các đám đông tập trung trước cửa Nghị viện Catalonia đã hô hào phản đối ông Puigdemont, xem tuyên bố mù mờ của ông là một sự phản bội.

Nhưng ngay từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha thì tuyên bố này, dù không đòi hỏi độc lập của vùng Catalonia ngay lập tức, nhưng cũng là một điều khó chấp nhận.

Ngay trong tối 10/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã ra thông báo cho biết các tuyên bố của Nghị viện Catalonia và ông Puigdemont là “không thể chấp nhận được” bởi những tuyên bố này vẫn kích động sự ly khai của vùng Catalonia, điều mà Chính phủ Tây Ban Nha nhất định không thể nhượng bộ.

Về phía Liên minh châu Âu, ngay trước khi ông Carles Puigdemont có bài phát biểu trước Nghị viện Catalonia, Liên minh châu Âu cũng ra thông cáo kêu gọi vùng Catalonia và chính quyền Tây Ban Nha đối thoại nhanh nhất có thể và cảnh báo các chính trị gia Catalonia nên tránh tạo ra những diễn biến không thể kiểm soát nổi. Về tổng thể, Liên minh châu Âu tuy kêu gọi đối thoại nhưng vẫn nghiêng về hướng ủng hộ Chính phủ Tây Ban Nha.

Cuộc phiêu lưu bất định

Cho đến lúc này thì một trong những câu hỏi lớn nhất chính là liệu nếu tách khỏi Tây Ban Nha thì vùng Catalonia có thể sống sót được về mặt kinh tế hay không? Các câu trả lời, tất nhiên, là đều đến từ các phân tích có tính dự đoán.

Phe phản đối Catalonia độc lập, ví dụ như Chính phủ Tây Ban Nha, thì đưa ra con số là nếu vùng Catalonia độc lập thì vùng này sẽ buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung eurozone và khi đó thì GDP của vùng này sẽ giảm 25-30%, còn số nợ công sẽ lên đến khoảng 134% GDP của vùng.

Phe ủng hộ độc lập lại phản bác ý kiến này và cho rằng, nếu độc lập thì GDP của vùng Catalonia có thể tăng 7-10%.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm này thì có thể thấy là đa số các nhận định đều cho rằng nếu vùng Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha thì đó sẽ là một tin xấu cho nền kinh tế của chính vùng này.

Trong những ngày qua, một loạt các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đã thông báo hoặc để lộ ý định rời trụ sở khỏi Barcelona trong trường hợp vùng Catalonia độc lập do lo ngại một nhà nước Catalonia độc lập sẽ bị loại khỏi eurozone.

Phản ứng chung của thị trường là bi quan trước kịch bản Catalonia độc lập, giống như những gì đang diễn ra tại nước Anh sau khi nước này lựa chọn Brexit. Vì thế, cái được của Catalonia nếu độc lập, có thể sẽ là chủ nghĩa dân tộc, vùng miền được thoả mãn, nhưng xét trên các mặt kinh tế-chính trị, rõ ràng đây là một bước đi mông lung và nhiều rủi ro.

Nhiều nước châu Âu và cả Liên minh châu Âu thể hiện rõ không muốn vùng Catalonia độc lập nên nếu Catalonia cứ lao theo con đường đó, viễn cảnh xấu chắc chắn cao hơn nhiều viễn cảnh tốt, nhất là khi Chính phủ Tây Ban Nha chắc chắn sẽ dùng mọi quyền lực để cản trở Catalonia hội nhập vào châu Âu.

Về tổng thể, đây rõ ràng là một cuộc phiêu lưu của chủ nghĩa địa phương đầy rủi ro của một nhóm các chính trị gia Catalonia mà có thể gây ra các hậu quả không thể sửa chữa cho chính vùng này.

Liên minh châu Âu đứng ngoài đến bao giờ?

Việc ông Carles Puigdemont không tuyên bố độc lập cho vùng Catalonia ngay lập tức, trước mắt có thể ngăn được kịch bản là Chính phủ Tây Ban Nha dùng đến điều 155 trong Hiến pháp để tước quyền tự trị của vùng này.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy mục đích chính của mọi diễn biến chính trị tại Catalonia thời gian qua cũng là xuất phát từ ý muốn của giới cầm quyền ở Catalonia về việc có được một quyền lực tự trị mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, phe ly khai ở Catalonia không thực sự muốn độc lập bằng mọi giá mà chỉ muốn chính quyền trung ương Tây Ban Nha đối thoại và đưa ra một số nhượng bộ về quyền lực.

Bản thân phe ly khai có lẽ cũng ý thức được rằng họ có thể thua trắng tay nếu mạo hiểm đến cùng với kế hoạch độc lập bởi ngay chính người dân vùng Catalonia cũng chưa hẳn đã muốn tách khỏi Tây Ban Nha, bằng chứng chính là đợt biểu tình lớn hôm 8/10 thu hút đến gần 1 triệu người dân vùng Catalonia.

Vì vậy, bằng mọi cách phe ly khai ở Catalonia đang muốn kéo Chính phủ Tây Ban Nha vào các cuộc đàm phán và kịch bản tốt nhất là có sự trung gian hoà giải của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền Tây Ban Nha hiện tại vẫn rất cứng rắn, không hề có chút nhượng bộ. Điều này khiến cho các diễn biến tiếp theo rất khó lường.

Trên thực tế, hầu như giới quan sát đều cho rằng, giải pháp tốt nhất là hai bên đối thoại và đưa ra các nhượng bộ, phe Catalonia phải cam kết không ly khai còn chính quyền Tây Ban Nha phải trao nhiều quyền hơn cho vùng tự trị Catalonia, đặc biệt về việc kiểm soát thuế.

Mấu chốt vấn đề bây giờ nằm ở sức ép của Liên minh châu Âu lên phía chính quyền Tây Ban Nha. Nếu sự bế tắc và căng thẳng như hiện nay kéo dài thì không chỉ nội tình Tây Ban Nha bị ảnh hưởng mà cả châu Âu cũng bị ảnh hưởng.

Vì thế, dù có thể không công khai đứng ra làm trung gian hoà giải nhưng Liên minh châu Âu có thể gây sức ép và thúc giục Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy sớm đối thoại với chính quyền Catalonia. Đó là giải pháp tốt nhất cho tất cả các bên./.