Thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp ly khai đòi độc lập thành công suốt nhiều thập kỷ. Bài học để lại là các nguyên tắc bất thành văn nhưng khá nổi tiếng. Tuy nhiên, cái khó là các nguyên tắc này bao gồm những điểm mâu thuẫn.

clipboard01_ojpx.jpg
Người dân Catalonia xuống đường đòi độc lập. Ảnh: Reuters

Trong trường hợp của vùng Catalonia ở Tây Ban Nha và khu tự trị người Kurd ở Iraq, những mâu thuẫn này hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Nguyên tắc đầu tiên: lý do cho sự ly khai là vì cộng đồng đó phải đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, tiếp đó là quyền tự quyết. Điều này gần như không có giá trị bởi cả luật pháp quốc tế lẫn ở cấp quốc gia nào đều không coi việc ly khai là quyền hợp pháp.

Thứ hai là phải có sự hậu thuẫn của các cường quốc cho mong muốn độc lập của mình. Đó có thể là ép buộc, gây áp lực, thậm chí là mua chuộc quốc gia mà cộng đồng đó muốn tách ra, để họ chấp nhận ý nguyện đó. Trong trường hợp này, những người muốn ly khai sẽ phải tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới rằng kế hoạch ly khai sẽ giúp thúc đẩy lợi ích và ảnh hưởng của các nước này.

Tuy nhiên, theo Bridget L. Coggins, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa ly khai, cuối cùng thì trò chơi ly khai chỉ có thể hoàn tất với rất nhiều điều kiện của các cường quốc.

Với trường hợp của Catalonia, phong trào ly khai của vùng đất tự trị này tuân thủ những nguyên tắc rất chặt chẽ. Mọi động thái tiến tới nền độc lập được triển khai một cách ôn hòa, kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mở. Họ tự nhận mình là đang theo đuổi một quyền tự quyết phổ quát.

Trên thực tế, những người đòi độc lập cho Catalonia và người Kurd ở Iraq nhận được rất ít sự hậu thuẫn quốc tế, thay vào đó là sự phản đối mạnh của chính quyền trung ương. Và họ đang ở vào tình cảnh va chạm với lợi ích các cường quốc, trong khi vật lộn để giải quyết những mâu thuẫn bên trong tư tưởng ly khai của mình.

Mâu thuẫn của chính trị ly khai

Hệ thống quốc tế hiện đại được xác định phần nào dựa trên 2 lý tưởng song hành với nhau. Đó là biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm, và con người tự quyết định quan hệ chính trị của mình. Khái niệm thứ nhất giúp ngăn chặn chiến tranh xâm lược và các cuộc nổi dậy đòi ly khai.

Nhưng ở vế thứ hai, nó cũng cung cấp niềm tin cho mọi người về quyền được tham gia quyết định nền chính trị của mình. Tuy nhiên khi một nhóm người trong một quốc gia độc lập bỗng nhiên nói ‘sẽ ra ở riêng’, hai nguyên tắc này va chạm với nhau. Việc một cộng đồng tuyên bố độc lập cho thấy khoảng trống trong hệ thống quốc tế. Không có bất cứ tiêu chuẩn hay luật nào nói rõ rằng khi nào và như thế nào thì ly khai được chấp nhận.

Trong trường hợp này, các cường quốc sẽ đảm nhận vai trò người phán xử chuyện đòi ly khai.

Ví dụ như cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của Nam Sudan. Đây là sản phẩm của thỏa thuận hòa bình do quốc tế bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Sudan. Nó giúp xây dựng tính chính danh quốc tế của chính quyền mới, trong khi Chính phủ Sudan đã cho phép việc chia tách lãnh thổ thành hai quốc gia khác nhau.

Tây Ban Nha chưa bao giờ tán thành nền độc lập của Catalonia, giống như chính quyền ở Baghdad nói không với người Kurd. Mà thiếu sự đồng ý này, bản chất của sự việc sẽ thay đổi rất nhiều. Còn tuyên bố độc lập của tỉnh Kosovo khỏi Serbia cũng phải nhận được sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc và các đồng minh châu Âu của tỉnh này, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Serbia và Nga.

Hiện tại, dù đã được hơn 100 nước công nhận, Kosovo vẫn chưa có được danh phận ‘thành viên LHQ’. Bởi nguyên tắc bất khả xâm phạm về quyền tự quyết, dân chủ và chủ quyền quốc gia là hai thứ xung đột với nhau trong hầu hết trường hợp. Thường thì các cường quốc sẽ ra tay quyết định dựa trên quan điểm của họ.

Ví dụ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea với lý do nước này thực thi ý nguyện của người dân tỉnh này muốn được trở thành một phần của nước Nga. Mỹ phản bác kết quả cuộc trưng cầu ý dân, cũng như ra sức đặt câu hỏi về thực sự mong muốn của người dân Crimea là gì.

Về mặt pháp lý, Nga không đúng. Nhưng về mặt thực tiễn ở châu Âu, điều này là hiển nhiên. Việc sáp nhập Crimea vào Nga chỉ là sự tiếp nối các phong trào đòi ly khai diễn ra khắp Lục địa Già nhiều thập kỷ qua. Nó khai thác khoảng trống giữa việc sự ly khai diễn ra như thế nào và cách mà thế giới bên ngoài đánh giá nó ra sao.

Trường hợp của Catalonia rơi vào tình huống này. Họ vẫn tin rằng sự tự quyết dân chủ đã tới lúc chín muồi. Còn các nước phương Tây, sau hàng thập kỷ cổ xúy cho các ý tưởng ly khai, trong đó có cả việc chống lưng cho nền độc lập của Kosovo, giờ đây đang phải vật lộn để thuyết phục người Catalonia từ bỏ nó.

Với người Kurd ở Iraq, họ đang đi theo lộ trình để biến cuộc trưng cầu ý dân trở thành ‘bước đầu tiên trong tiến trình đàm phán với Baghdad’. Ý tưởng là thu hút sự chú ý của quốc tế nhằm thuyết phục Mỹ và các cường quốc khác ủng hộ nền độc lập.

Nếu điều đó thực sự xảy ra, Chính phủ Iraq sẽ phải đồng ý cho họ ly khai. Tuy nhiên tin xấu là chiến dịch của người Kurd diễn ra vào lúc nước Mỹ đang muốn thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo thế giới. Vì thế, trước tiên, họ sẽ phải tự giải quyết những mâu thuẫn trong các lý tưởng dẫn dắt phong trào đòi độc lập của mình./.