Đây được cho là một bước đi nhằm giảm căng thẳng  sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về độc lập của xứ Catalonia.

co_catalonia_wtzq.jpg
Cờ xứ Catalonia. Ảnh: DW.

Trong phiên họp cơ quan lập pháp vùng hôm qua, Thủ hiến cùng các chính trị gia khác của vùng Catalonia đã ký một văn kiện tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, chưa rõ khi nào văn kiện này có hiệu lực vì ông Puigdemont muốn tạm hoãn tuyên bố độc lập để mở cửa đối thoại với chính quyền trung ương.

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont nêu rõ mục tiêu trong những bước đi của mình: “Chúng tôi đề xuất dừng hiệu lực của tuyên bố độc lập để thúc đẩy các cuộc đối thoại trong những tuần sắp tới. Nếu không thực hiện điều này khó có thể đạt được một giải pháp. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, thời điểm này yêu cầu cần giảm căng thẳng nhưng trên hết là chúng ta cần một sự thỏa hiệp rõ ràng để thúc đẩy các yêu cầu của người dân Catalonia, tính đến cả kết quả cuộc bỏ phiếu hôm mùng 1 tháng 10 vừa qua”.

Bước đi của chính quyền vùng ngay lập tức vấp phải sự phản ứng trái chiều trong nội bộ Catalonia. Nhiều người dân Barcelona cho rằng, đây là bước đi cần thiết để làm dịu căng thẳng hiện nay, đồng thời tìm kiếm những lợi thế tốt hơn cho người dân Catalonia trong các cuộc đàm phán với chính phủ.

Tuy nhiên, phe ủng hộ li khai ngay lập tức chỉ trích quyết định của Thủ hiến vùng. Một số nhóm đối lập lên án bước đi của chính quyền vùng, cho rằng điều này sẽ gây mất ổn định khu vực, đồng thời khẳng định Liên minh châu Âu sẽ không ủng hộ bước đi  này. Một số lực lượng ủng hộ li khai cũng yêu cầu đặt ra hạn chót cho các cuộc đối thoại với chính phủ.

Mặc dù hoãn tuyên bố độc lập của chính quyền Catalonia được cho là giúp làm dịu căng thẳng hiện nay, tuy nhiên bất chấp lời kêu gọi của Thủ hiến vùng, một giải pháp thông qua đàm phán trở nên khó khăn hơn khi Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết sẽ không đối thoại với lãnh đạo Catalonia cho đến khi họ dừng các kế hoạch đòi độc lập.

Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria hôm 10/10 cũng tuyên bố: “Ông Puigdemont hay bất cứ người nào không thể tuyên bố áp đặt hòa giải. Bất cứ cuộc đối thoại nào cũng cần phải diễn ra trong khuôn khổ luật pháp và tôn trọng luật chơi. Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp hôm nay để đưa ra quyết định đáp lại tuyên bố độc lập của vùng Catalonia”.

Giới quan sát bắt đầu đưa ra một số kịch bản cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Sau cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Tây Ban Nha có thể thực hiện “lựa chọn hạt nhân”, một điều khoản trong Hiến pháp có thể thay thế toàn bộ nội các ở Catalonia, giải tán Hội đồng khu vực trước khi tiến hành các cuộc bầu cử cho chính quyền mới. Trước khi thực hiện điều khoản chưa bao giờ được sử dụng này, chính phủ có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về việc liệu có cố gắng thuyết phục ông Puigdemont từ bỏ nỗ lực độc lập hay không. 

Một khả năng nữa đó là Catalonia chính thức tuyên bố độc lập nhưng phần lớn chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Một số nhóm đối lập trong vùng đặt thời hạn 1 tháng cho các cuộc đối thoại với chính phủ trung ương. Nếu thất bại thì họ sẽ yêu cầu nghị viện vùng chính thức thông qua tuyên bố độc lập.

Tuyên bố này sẽ ngay lập tức bị Tòa án Hiến Pháp Tây Ban Nha ngăn chặn và buộc chính phủ Tây Ban Nha phải đưa ra các phản ứng pháp lí và chính trị đối với cuộc khủng hoảng. Trong khi cuộc khủng hoảng không được giải quyết và với những chia rẽ  nghiêm trọng trong nội bộ vùng, một số lực lượng ủng hộ li khai cũng có thể rút khỏi sự ủng hộ đối với chính quyền khu vực, kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử vùng, với nguy cơ kéo dài cuộc xung đột hiện nay./.