Trong khi nỗ lực thúc đẩy đối thoại thất bại, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết ông không loại trừ khả năng dùng quyền lực Hiến pháp để bãi bỏ quy chế tự trị của Catalonia nếu khu vực này tuyên bố độc lập.

rajoy_afp_bwrn.jpg
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đến nay vẫn lưỡng lự trong việc sử dụng điều 155 của Hiếp Pháp, cho phép ông sa thải toàn bộ chính quyền Catalonia và kêu gọi cuộc bầu cử địa phương mới, nếu khu vực tự trị này tuyên bố độc lập.

Trong cuộc phỏng vấn với báo El Pais cuối tuần qua, Thủ tướng Rajoy cho biết ông sẵn sàng dùng đến quyền lực Hiến pháp, song theo ông những giải pháp cực đoan là không cần thiết và để điều này không xảy ra thì tình hình hiện nay phải thay đổi.

“Chúng ta phải tuân thủ luật pháp”, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh. “Đó là chìa khóa để Tây Ban Nha nhanh chóng thống nhất và đoàn kết trở lại. Chắc chắn rằng chính phủ sẽ ngăn chặn bất cứ tuyên bố độc lập nào. Chúng ta sẽ luôn là một Tây Ban Nha thống nhất và là một Tây Ban Nha tồn tại lâu dài”.

Dù bị coi là vi hiến và chính phủ Tây Ban Nha bác bỏ kết quả, song giới lãnh đạo Catalonia vẫn công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10, kết quả cho thấy 90% cử tri, tương đương hai triệu người ủng hộ độc lập.

Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont đã lên kế hoạch tuyên bố độc sau cuộc trưng cầu ý dân. Xứ Catalonia nhiều khả năng tuyên sẽ bố độc lập trong ngày hôm nay, sau một phiên họp của các nhà lập pháp địa phương. Nếu tuyên bố độc lập được đưa ra, đây sẽ là một “bài kiểm tra chính trị” với Thủ tướng Rajoy, buộc ông không thể tiếp tục lưỡng lự.

Tây Ban Nha đang đứng trước khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Diễn biến căng thẳng và chia rẽ đã khiến các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp chuyển trụ sở khỏi Catalonia. Kéo theo đó là mức tín nhiệm với nền kinh tế Tây Ban Nha cũng bị lung lay. Thủ tướng Rajoy cảnh báo hành động của chính quyền Catalonia sẽ không đi tới đâu cả.

“Họ đã chọn con đường cực đoan theo đó kéo đổ niềm tin và dẫn đến những chia rẽ, căng thẳng tại Tây Ban Nha. Họ đã khiến các doanh nghiệp dời bỏ Catalonia. Chúng ta cần Catalonia trở lại với sự ôn hòa và hiểu biết” – ông Rajoy nêu rõ.

Bên cạnh những cuộc biểu tình của những người Catalonia đòi độc lập, thì hàng trăm nghìn người dân Tây Ban Nha cũng tổ chức tuần hành kêu gọi thống nhất đất nước trong 2 ngày qua.

Với giới chức Liên minh châu Âu (EU), họ không khỏi lo ngại trước khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone. Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha và chính quyền Catalonia đối thoại để tìm một giải pháp chính trị. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã có cuộc thảo luận về vấn đề Tây Ban Nha. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong 2 ngày 9 và 10/10, theo đó, sẽ đề cập những lo ngại về ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị tới nền kinh tế Tây Ban Nha và cả các nước khác./.