Theo ông Gulyas, trên thực tế Hungary đã đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc để mua vaccine Sinopharm. Theo dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ gồm khoảng 1 triệu liều. Mặc dù loại vaccine của Trung Quốc đã được phép sử dụng ở Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng đây được cho là một canh bạc của Hungary khi việc sử dụng vaccine của Trung Quốc vẫn chưa được cơ quan y tế của Hungary cho phép và cũng chưa có báo cáo về tác dụng phụ sau khi sử dụng.

Quyết định của Hungary như một lời cảnh báo gửi đến EU. Bởi Theo cam kết ban đầu, việc tiêm chủng sẽ được EU triển khai nhanh chóng trên toàn khu vực bắt từ đầu năm 2021 với hy vọng có thể từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế làm ảnh hưởng đến cuộc sống của công dân EU.

Cho đến nay, EU đã phê duyệt vaccine Covid-19 do Pfizer và Moderna phát triển và đã ký thỏa thuận với 6 công ty để mua khoảng 2 tỷ liều. Một phần trong đó đã được EU nhận và phân bổ cho các quốc gia từ cuối tháng 12. Hungary là một trong những nước đầu tiên được nhận lô hàng vaccine Pfizer và tổ chức tiêm cho người dân. Hiện tại Hungary mới chỉ có 96.000 người được tiêm chủng, chủ yếu là nhân viên y tế và người già.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cũng cho rằng, kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 của EU sẽ không thể thực hiện được nếu việc mua vaccine của khối này vẫn diễn ra chậm chạp như hiện nay.

Theo ông Szijjarto, ở các quốc gia như Mỹ, Anh và Israel đã triển khai việc tiêm vaccine Covid-19 cho nhiều người dân hơn so với các quốc gia thành viên của EU. Do đó, Hungary buộc phải có tính toán đến các giải pháp mua các loại vaccine Covid-19 phù hợp  từ các khu vực khác trên thế giới./.