Mặc dù mới là đầu hè song đợt nắng nóng dữ dội đang hoành hành được dự đoán có thể khiến hàng nghìn người tử vong, chủ yếu là người cao tuổi, người có vấn đề về sức khỏe… do chưa kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi bất thường sau dịp đông – xuân.
Phun nước giảm nóng trên đường phố Đức. Ảnh: AFP. |
Theo tờ Washington Post, từ ngày 26/6 đến 28/6, sóng nhiệt được dự báo đạt cực đại, khi một khu vực trải dài từ Tây Ban Nha đến Ba Lan dự kiến sẽ chứng kiến nhiệt độ cao hơn ít nhất là từ 11 đến 17 độ C so với bình thường. Mức cao nhất của nhiệt độ sẽ được ghi nhận ở phía tây và trung tâm của vhâu Âu. Cả một vùng rộng lớn của châu Âu ghi nhận nền nhiệt độ thực tế có thể tăng lên thành từ 35 đến 40 độ C. Trong khi một số nơi khác mức nhiệt có thể còn cao hơn nhiều, đặc biệt là những khu vực xảy ra hiệu ứng “đảo nóng” do nhựa đường và bê tông làm tăng nhiệt độ.
Lý giải về nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng thảm họa này, các chuyên gia về khí tượng học cho rằng, đó là do 2 khu vực áp suất cao nằm gần Greenland và phía Bắc trung tâm châu Âu. Hai hệ thống này kết hợp với nhau đã chặn luồng gió từ phía Nam vốn có khả năng làm mát không khí. Hiện tượng này dẫn tới việc xuất hiện một luồng không khí nóng kéo dài từ các sa mạc Tây Ban Nha và châu Phi, kéo theo các đợt nắng nóng dữ dội ở châu Âu.
Tại Pháp, 65 tỉnh ban bố cảnh báo ở mức độ da cam - mức thứ hai trong thang bậc bốn mức cảnh báo về nắng nóng của Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp. Nhiệt độ ở nhiều nơi sẽ tăng lên hơn 40 độ C vào cuối tuần này, có nơi lên 47 độ C, một hiện tượng chưa từng xảy ra vào tháng 6kể từ năm 1947. Trên các phương tiện truyền thông, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo người dân, nhất là người già và trẻ em, uống nước thường xuyên, sử dụng điều hòa nhiệt độ, có các biện pháp bảo vệ da, tránh các hoạt động thể chất, tránh đi ra ngoài vào giờ cao điểm nắng nóng nếu không cần thiết.
Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn cho biết, các bệnh viện và các phương tiện cấp cứu luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Tuy nhiên, vị quan chức này đồng thời cảnh báo thời tiết cực đoan sẽ còn tiếp diễn liên tục: “Những đợt nắng nóng như thế này sẽ còn tiếp tục xảy ra, thậm chí trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới và thập kỷ tới, do tác động của biến đổi khí hậu. Tôi kêu gọi mọi người phải có trách nhiệm đối với chính bản thân, gia đình và hàng xóm của mình, tránh những rủi ro không cần thiết. Đó chính là lý do tại sao ngày hôm nay tôi muốn nhắc lại thông điệp kêu gọi mọi người cần hết sức phòng ngừa trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt.”
Châu Âu tiếp tục chống chọi với nắng nóng kỷ lục
Nhà khí tượng học của Đức, Andreas Friedrich khuyến cáo người dân giữ gìn sức khỏe trong cái nắng nóng như thiêu như đốt: “Chúng tôi dự đoán nhiệt độ tăng cao kỷ lục được ghi nhận ở phía tây nam nước Đức có thể lên tới mức 43 độ C- nền nhiệt độ cực kỳ cao. Ban ngày, chúng tôi khuyến cáo mọi người nên ở trong bóng râm và tất nhiên cần bổ sung nhiều nước."Nhiều vùng tại Thụy Sĩ cũng đặt mức cảnh báo cao về đợt nắng nóng dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6 tới. Đáng chú ý là đợt nóng này sẽ ảnh hưởng đến các vùng núi của Thụy Sĩ, với nền nhiệt độ tăng cao kỷ lục, có nguy cơ làm tan băng tích tụ trong mùa Đông và mùa Xuân vừa qua. Nhiệt độ tăng cao bất thường cả ngày lẫn đêm.
Các chuyên gia về khí tượng học cũng vừa cảnh báo rằng những đợt nắng nóng tàn khốc có thể là xu hướng cho mùa hè của châu Âu năm nay. Tuy nhiên, có lẽ người châu Âu vẫn cần chờ đến sau ngày đỉnh điểm đợt nắng nóng cao điểm này mới có thể biết chính xác mức độ tàn khốc của nó./.