Với những cáo buộc “gây hấn quân sự trực tiếp” từ cả hai phía, nhiều quan ngại cho rằng một cuộc xung đột mới có thể xảy ra giữa hai cường quốc tại khu vực này. Nhiều nước lập tức đã đưa ra cảnh báo, an ninh vùng Vịnh đang chạm “giới hạn đỏ” và hai quốc gia này cần “kiềm chế” để tránh làm gia tăng căng thẳng.

quan_doi_saudi_eehb.jpg
Quân đội Saudi Arabia . Ảnh: YouTube.

Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran vốn đã âm ỉ từ rất lâu, song gần đây mới bùng phát khi phiến quân Houthi tại Yemen bắn một quả tên lửa đạn đạo về phía thủ đô Ri-át của Saudi Arabia. Dù đã bắn chặn thành công, song Saudi Arabia cho rằng, đây chính là hành động “gây chiến trực tiếp” từ phía Iran bởi tên lửa mà Houthi bắn là do nước này cung cấp. Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc của Saudi Arabia là “sai sự thật và nguy hiểm”, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới.

Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày hôm qua (8/11), Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Saudi Arabia đang mắc một “sai lầm chiến lược” khi không coi Iran là bạn, mà thay vào đó là Mỹ và Israel. Tổng thống Iran cũng tố cáo các quốc gia bá quyền đang ra sức cướp bóc tài nguyên dầu mỏ và sự giàu có của khu vực, đồng thời “thổi bùng ngọn lửa” của sự hận thù giữa các quốc gia Hồi giáo để bán vũ khí.

Ông Rouhani chỉ trích việc liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp quân sự vào Yemen, gây ra cuộc chiến tranh chết chóc tại quốc gia láng giềng Trung Đông này. Đồng thời cho rằng việc phong tỏa các biên giới trên đất liền, trên không và trên biển tại Yemen mới đây của Saudi Arabia đang làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân Yemen.

Phản ứng trước những diễn biến căng thẳng mới giữa Iran và Saudi Arabia, hôm 8/11, một loạt các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, kêu gọi các bên kiềm chế. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, một cuộc chiến giữa hai quốc gia có ảnh hưởng tại Trung Đông này có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng vốn đã sâu sắc tại Yemen.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, tất cả các bên cần phải đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng, tránh mọi động thái có thể làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột không hề có lợi cho sự ổn định của Yemen cũng như của khu vực.

Bà Hoa nói: “Cần phải có một giải pháp tổng thể nhằm khôi phục sự ổn định và mọi hoạt động bình thường của Yemen thông qua các cuộc đối thoại và đàm phán giữa các bên khác nhau trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sáng kiến của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, cũng như các cơ chế thực hiện. Chúng tôi cho rằng bất kỳ hành động leo thang hoặc mở rộng các xung đột đều không có lợi cho sự ổn định của Yemen, cũng như đạt được các mục tiêu đã đề ra.”

Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cảnh báo, an ninh các nước vùng Vịnh đang ở “giới hạn đỏ”, đồng thời cho biết Ai Cập phản đối bất kỳ sự leo thang quân sự nào khác trong khu vực. Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh, các nước nên có cách tiếp cận thận trọng đối với các mâu thuẫn mới tại khu vực “vốn chẳng yên bình” này.

Còn trong chuyến thăm tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, dù Pháp muốn duy trì quan điểm cứng rắn đối với Iran liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo và những ảnh hưởng của Tehran tại Trung Đông, song các nước trong khu vực không nên làm tình hình căng thẳng thêm.

Ông Macron nhấn mạnh, “hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một khu vực hòa bình và trách nhiệm của các nước có ảnh hưởng trong khu vực là phải phối hợp vì sự ổn định của Trung Đông”.

Trước đó một ngày (7/11), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cảnh báo tình hình căng thẳng gia tăng giữa Iran – Saudi Arabia và các nước đồng minh của hai bên là “vô cùng nguy hiểm”.

Phát biểu tại thủ đô Washington (Mỹ), bà Mogherini nhấn mạnh giới chức châu Âu đều hy vọng hai bên kiềm chế, tránh những phát ngôn gây căng thẳng và tìm kiếm "một điểm chung tối thiểu" để xây dựng hòa bình./.