Hôm 7/1, Iran cáo buộc các máy bay chiến đấu của Saudi Arabia đã tấn công vào đại sứ quán Iran ở thủ đô Sanaa của Yemen, làm bị thương một số binh sĩ.

hanh_quyet_saudi_arabia_poer.jpg
Một vụ hành quyết bằng kiếm ở Saudi Arabia. Ảnh: Vocativ.

Đây là bước leo thang mới trong căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia sau khi Saudi Arabia tử hình một giáo sĩ người Hồi giáo, dòng Shiite.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaberi, các máy bay chiến đấu của Saudi Arabia đã cố tình tấn công đại sứ quán Iran ở thủ đô của Yemen. Ông cho biết vụ không kích "là hành động cố ý" của chính phủ Saudi Arabia đã "vi phạm tất cả các luật và điều ước quốc tế về bảo vệ và quyền miễn trừ ở những cơ quan ngoại giao dù trong hoàn cảnh nào".

"Iran yêu cầu chính phủ Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm cho việc làm khiến nhân viên đại sứ quán của chúng tôi bị thương, trụ sở bị hư hại. Những hành động của Saudi Arabia sẽ càng gây ra căng thẳng và tạo ra xung đột dẫn đến sự mất ổn định và an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới”.

Người phát ngôn của Liên minh quân sự Arab tại Yemen, chuẩn tướng Ahmed Asseri đã bác bỏ cáo buộc của Iran; cho rằng không có hoạt động quân sự nào gần khu vực có đại sứ quán của Iran. Liên minh Arab đồng thời khẳng định tòa nhà đại sứ quán Iran vẫn an toàn và không hề bị hư hại. 

Ông Asseri cung cấp thêm thông tin rằng, các máy bay của liên quân đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích tại thủ đô Sanaa của Yemen vào đêm 6/1 nhằm tiêu diệt dàn phóng tên lửa của phiến quân Houthi. Hiện phiến quân Houthi đang sử dụng các cơ sở dân sự và cả những đại sứ quán bị bỏ hoang làm nơi ẩn náu. Hiện chưa rõ Đại sứ quán Iran ở Yemen có đang hoạt động hay đã bị bỏ không từ lâu, giống nhiều đại sứ quán nước ngoài khác ở đây do chiến sự.

Lời cáo buộc của Iran được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Saudi Arabia đang căng thẳng, sau khi quốc gia Arab này ra lệnh xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr có ảnh hưởng đối với cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite. Sự việc khiến người dân Iran phẫn nộ, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia. Cá biệt, một đám đông đã kéo đến đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran.

Sau hành động này, Saudi Arabia và nhiều đồng minh trong khu vực như Bahrain, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đã hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.  Saudi Arabia còn cấm công dân của họ tới Iran nhưng tuyên bố vẫn tiếp đón những người hành hương Iran tới các thánh địa như Mecca. Đáp trả, hôm qua, Iran đã cấm toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Saudi Arabia và cấm mọi công dân Iran hành hương về thánh địa Mecca.

Nhiều nhà phân tích lo ngại, xung đột giữa Iran và Saudi Arabia đang làm mất ổn định khu vực, đặc biệt là tại Yemen, nơi cả hai quốc gia đang có sự đối đầu gay gắt. Saudi Arabia hiện hậu thuẫn quân sự cho chính quyền do người Sunni đứng đầu nhưng đã bị lật đổ, còn Iran hậu thuẫn cho lực lượng dân quân nổi dậy Houthi dòng Shiite.

Ông Mohammed Saif Haider-một nhà phân tích chính trị người Yemen nói: “Saudi Arabia và Iran có một tác động lớn đến các vấn đề khu vực, đặc biệt là tình hình tại Yemen trong hai năm qua. Tất cả các xung đột giữa hai nước được phản ánh trong tình hình ở Yemen. Hiện nay, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã ở vào điểm tồi tệ nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo trong những năm đầu thập niên 1980”.

Chính vì thế, giữa lúc Trung Đông đã quá "nóng" bởi hàng loạt cuộc xung đột chưa được giải quyết, như cuộc xung đột tại Syria, căng thẳng giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ thì căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia gây lo ngại đe dọa kích hoạt ngòi nổ mâu thuẫn tôn giáo, đẩy khu vực Trung Đông tới một cuộc xung đột mới./.