Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 16/5 tuyên bố nước này sẽ giảm mức hiện diện ngoại giao ở Canada cho đến khi số rác thải trên được đưa trở lại Canada. Tuyên bố này được đưa ra sau hạn chót ngày 15/5 Philippines yêu cầu Canada phải nhận lại toàn bộ số rác thải nêu trên.
Một container trong số rác thải do một cá nhân Canada gửi đến Philippines trong năm 2013 và 2014. Ảnh: PhilStar |
Trước đó, Philippines đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao tới Canada phản đối vụ rác thải. Theo tờ khai hải quan, các container này chứa rác thải nhựa nhập khẩu vào Philippines trong thời gian từ năm 2013-2014 để tái chế. Tuy nhiên trên thực tế, các container chứa cả rác thải sinh hoạt và điện tử. Chính phủ Canada vẫn khẳng định rằng đây là một giao dịch thương mại không được chính phủ hậu thuẫn.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng tuyên bố sẽ nhận lại số rác này song các thủ tục được thực hiện chậm chạp, khiến vấn đề rác thải leo thang với lời "tuyên chiến" của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nếu Canada không hành động.
“Tôi muốn Canada đưa số rác thải này về. Tôi đã đưa cảnh báo nhiều lần . Nếu Canada không chuyển, tôi sẽ đích thân áp tải chuyển số rác thải trên trở lại Canada bằng đường biển. Chúng tôi sẽ đưa biện pháp cứng rắn nếu Canada không nhận lại số rác thải này”, ông Duterte nói.
Cảnh báo của Tổng thống Philippines đã vấp phải sự chỉ trích của Canada. Bộ trưởng Môi trường và biến đổi khí hậu Canada Catherine Mckena khẳng định: “Tôi không nghĩ cảnh báo của Tổng thống Philippines có thể giúp ích cho việc giải quyết vấn đề này giữa hai nước. Tuy nhiên Canada cũng sẽ xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này”.
Thực tế rác thải không phải là vấn đề duy nhất gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước thời gian gần đây. Năm ngoái, Tổng thống Philippines Duterte đã lệnh hủy bỏ thỏa thuận trị giá 233 triệu USD để mua 16 trực thăng từ Canada sau khi Canada bày tỏ lo ngại những máy bay này có thể được sử dụng để chống lại các nhóm vũ trang. Tổng thống Duterte cũng từng lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau vì đã đặt ra câu hỏi về cuộc chiến chống ma túy ở quốc gia Đông Nam Á này.
Mặc dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề rác thải sẽ khó có thể đẩy căng thẳng giữa hai nước leo thang thêm. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng, có thể có trì hoãn trong việc Canada thu hồi số rác thải này, nhưng điều quan trọng là Canada vẫn đang thúc đẩy qui trình. Người phát ngôn Bộ Môi trường và biến đổi khí hậu Canada trong một tuyên bố cũng khẳng định nước này vẫn cam kết hoàn thành thỏa thuận lấy rác trở lại, nhưng đang giải quyết nốt các thủ tục pháp lí.
Thực tế Canada cũng đang đối mặt với sức ép không chỉ từ Philippines mà còn từ nhiều nhà hoạt động môi trường quốc tế liên quan đến vấn đề rác thải với Philippines.
Chuyên gia Carlo Dade thuộc Canada West Foundation có trụ sở tại Canada cho rằng, bất đồng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của Canada: “Phản ứng của Canada đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ với Philippines đồng thời còn ảnh hưởng đến danh tiếng của Canada và cá nhân Thủ tướng Trudeau - người vốn tuyên bố chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông”.
Nhiều nhóm môi trường quốc tế cũng đang kêu gọi Canada sớm đưa các container rác về để xử lí, vì cho rằng những container chất thải này đã vi phạm luật pháp quốc tế và trái với Công ước Basel, hiệp ước được ký 30 năm trước nhằm ngăn các nước vận chuyển rác thải nguy hại đến các nước phát triển mà không có sự đồng ý của chính phủ./.