Gần 1 năm sau khi cố Tổng thống Hugo Chavez qua đời (5/3/2013), cuộc cách mạng Bolivar tại Venezuela đang đứng trước thách thức to lớn khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lan rộng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, Đương kim Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định, Cách mạng Bolivar vẫn tiến lên phía trước bất chấp việc lãnh đạo phe đối lập kêu gọi hàng nghìn người tiếp tục biểu tình cho đến khi ông từ chức. 

venezuela1.jpg
Biểu tình bùng phát thành bạo lực ở Venezuela (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Maduro kế thừa di sản không chỉ là sự yêu mến và tín nhiệm của người dân Venezuela nói riêng, cũng như các nước Nam Mỹ nói chung đối với ông Hugo Chavez mà còn là những khó khăn về kinh tế và an sinh xã hội.

Năm 2013, lạm phát của Venezuela đạt mức 56% và chỉ số khan hiếm hàng hóa theo thống kê của ngân hàng trung ương nước này gần đây đã lên mức kỷ lục. Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ vào hàng lớn nhất thế giới song lại thiếu đầu tư vào khai thác sản xuất khiến sản lượng dầu của nước này trong một thập kỷ trở lại đây giảm gần 1/5 xuống còn 2,5 triệu thùng dầu 1 ngày.

Tổng thống Maduro cho rằng nước này đang phải đối mặt với một “cuộc chiến kinh tế” do Mỹ hậu thuẫn. Cũng có ý kiến cho rằng, đó còn là hậu quả của việc chính phủ Venezuela chưa kiểm soát tốt hệ thống tiền tệ.

Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu chính sách kinh tế của Mỹ, ông Mark Weisbrot nói: “Tôi không nghi ngờ gì về việc ông ấy kế thừa một số vấn đề, trong đó có những khó khăn kinh tế. Trước đây lạm phát của Venezuela đã cao nhưng tình trạng này đã được cải thiện dưới thời ông Chavez. Tuy nhiên lạm phát của Venezuela đã cao trở lại khi ông Maduro kế nhiệm và tình hình ngày càng xấu đi. Nguyên nhân sâu xa là do hệ thống hoán đổi tiền tệ, vì thế, chúng ta không thể đổ tất cả lỗi lầm cho ông Maduro về hậu quả đang xảy ra”.

Điều đáng nói là phe đối lập Venezuela đã mượn cớ này để chỉ trích mạnh mẽ những chính sách của Tổng thống Maduro. Ông Capriles, người từng thất bại trước cả cố Tổng thống Chavết và đương kim Tổng thống Maduro trong các cuộc bầu cử gần đây, muốn kêu gọi một phong trào nhằm thúc đẩy sự thay đổi trong chính phủ.

Trong khi đó, một lãnh đạo phe đối lập khác đang bị Tổng thống Maduro ra lệnh tống giam vì cáo buộc giết người liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây, ông Leopoldo Lopez lại thể hiện xu hướng được cho là cực đoan hơn khi muốn tiếp tục các cuộc biểu tình cho đến khi ông Maduro từ chức.

Tiến sỹ Mark Weisbrot chỉ ra rằng, phe đối lập ở Venezuela đã không đưa ra được một chương trình nghị sự rõ ràng đóng góp cho lợi ích quốc gia.

Ông Weisbrot nói: “Phe đối lập ở Venezuela không giống những đảng đối lập ở những nước khác. Ở những nước như Mỹ, dù bất đồng sâu sắc dẫn đến việc đóng cửa chính phủ, đảng đối lập vẫn nỗ lực để vừa giải quyết vấn đề vừa đạt được mục tiêu đề ra. Còn ở Venezuela, chúng ta không thấy phe đối lập sử dụng sức mạnh tập thể tại Quốc hội để thúc đẩy những cải cách mà họ mong muốn. Chúng ta thậm chí không thấy họ có một chương trình cải cách nào mà chỉ là yêu cầu Tổng thống phải từ chức”.

Tổng thống Maduro đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn của các cuộc biểu tình lan rộng trên phạm vi cả nước. Kể từ khi biểu tình phản đối chính phủ bùng phát ở thủ đô Caracas hôm 12/2 đến nay, bạo lực đã khiến 17 người thiệt mạng.

Mới đây nhất, ngày 3/3, khoảng 500 người tiếp tục tập trung trước trụ sở Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) chuẩn bị cho cuộc tuần hành ở đây.

Bất chấp tình trạng căng thẳng hiện nay, giới phân tích khu vực và phương Tây đều cho rằng, Venezuela không phải là Ukraine và Tổng thống Maduro không ở vị trí yếu thế để có thể bị lật đổ như Tổng thống Viktor Yanukovych bởi sau lưng ông vẫn còn sự hậu thuẫn của quân đội.

Một thực tế khác là đến năm 2016 Venezuela mới bầu cử Tổng thống, do đó nếu có thể khiến tình hình lắng dịu, ông Maduro còn nhiều thời gian để có những điều chỉnh phù hợp để bảo toàn những thành quả của Cách mạng Bolivar mà cố Tổng thống Chavez đã đạt được cũng như thúc đẩy cuộc cách mạng này phát triển trong bối cảnh mới./.