Sau nhiều nỗ lực dàn xếp quốc tế, ngày 20/3, các bên tham gia trong xung đột tại Libya đã nối lại các cuộc đàm phán hoà bình tại thành phố Skhirat, miền Nam Morocco.
Theo các nguồn tin từ địa điểm đàm phán, hai đại diện chính của các bên trong cuộc xung đột là Quốc hội Libya được quốc tế công nhận và Đại hội Toàn quốc, tức Quốc hội cũ được phe Hồi giáo hậu thuẫn, đã bắt đầu các cuộc đàm phán dự kiến kéo dài đến ngày 22/3 do Liên Hợp Quốc làm trung gian.
5 vấn đề cơ bản được hai bên tập trung giải quyết trong vòng đàm phán lần này là xây dựng các nguyên tắc chung về lựa chọn Chính phủ; đồng thuận về một Chính phủ đoàn kết dân tộc; xây dựng một nhóm các tiêu chí an ninh và sự đồng thuận về việc xây dựng lòng tin như chấm dứt việc bắn phá các thành phố và sân bay; xây dựng các tiêu chí hiến pháp liên quan đến hoạt động của Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp; xây dựng cho việc kết thúc hoạt động của Chính phủ đồng thuận.
Phát biểu với báo giới ngay trước khi bắt đầu vòng đàm phán mới, đại diện Liên Hợp Quốc tại Libya Bernardino Leon cảnh báo các bên trong cuộc khủng hoảng rằng, đây là một vòng đàm phán có tính chất quyết định và hoàn toàn có khả năng đạt được thoả thuận. Nhưng nếu các bên không thể đưa ra những quyết định đúng đắn, Libya có thể tái diễn tình trạng nội chiến với những hậu quả khôn lường mà không một bên nào có thể gánh vác nổi./.