Phái đoàn đàm phán các bên đối địch tại Yemen đã thống nhất một khuôn khổ chung cho các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Đây là tiến bộ đáng kể đầu tiên kể từ khi các cuộc thương lượng bắt đầu cách đây một tuần tại Kuwait, mở đường cho các cuộc đàm phán tăng cường trong thời gian tới nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia này.

25_yemen_bwrn.jpg
Cuộc chiến ở Yemen đã khiến hơn 6.800 người thiệt mạng. (Ảnh: Channel4)

Phát biểu tại họp báo, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed cho biết:“Hai phái đoàn đã nhất trí một chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán tới. Đây có thể coi đây là khuôn khổ để thảo luận các vấn đề an ninh, kinh tế và chính trị. Mặc dù chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng may mắn mọi việc diễn ra theo chiều hướng tích cực”.

Theo ông Ahmed, "các cuộc thương lượng toàn diện" bắt đầu từ ngày 27/4 dựa trên Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, văn bản vốn được coi là cơ sở cho mọi kế hoạch hòa bình. Tuy nhiên, đặc phái viên Ahmed cho biết, Liên Hợp Quốc muốn tất cả các vấn đề còn lại được thảo luận đồng thời bởi các ủy ban hỗn hợp. Ông cũng nêu rõ không có hạn chót nào được đặt ra, các cuộc thảo luận sẽ tiếp diễn cho tới khi đạt một "giải pháp hòa bình toàn diện".

Chương trình nghị sự đồng thuận trên tập trung vào một lộ trình hòa bình gồm 5 điểm, theo đó phiến quân Houthi chuyển giao quyền lực cho chính phủ được quốc tế công nhận, giải giáp vũ khí và rút khỏi các thành phố để thiết lập hòa bình vĩnh viễn và nối lại tiến trình chính trị.

Hãng thông tấn chính thức Saba của Yemen dẫn lời trưởng phái đoàn đàm phán của chính phủ, ông Abdel-Malik al-Mikhlafi cho biết, các đại diện của chính phủ và đại diện của lực lượng Houthi đã nhất trí lịch trình dựa trên đề xuất của Liên Hợp Quốc và thỏa thuận sẽ thảo luận về lịch trình kể từ ngày 27/4. Tiến độ này cũng được người đứng đầu phái đoàn của Houthi và cựu Tổng thống Abullah Saleh xác nhận.

 Đất nước Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ tháng 9/2014, khi lực lượng phiến quân chiếm giữ thủ đô Sanaa. Tháng 3 năm ngoái, Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp quân sự vào quốc gia này nhằm hỗ trợ Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi, chống lại phiến quân.

Tuy nhiên cho đến nay, lực lượng phiến quân vẫn đang chiếm giữ thủ đô Sanaa cùng 8 trong số 22 tỉnh thành khác của Yemen. Cuộc chiến khiến hơn 6.800 người thiệt mạng, một nửa số đó là dân thường vô tội, khoảng 35.000 người bị thương, đồng thời buộc hơn 2 triệu người phải đi sơ tán./.