Theo kế hoạch, một cuộc họp đặc biệt của Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/8 sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine và tình hình tại Iraq. Trong đó một nội dung chính được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu quan tâm hiện nay chính là việc Nga áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành nông sản phương Tây hồi tuần trước nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu. 

nong_san_gdiy_eeah.jpgLệnh cấm của Nga đối với nông sản EU đã gây ra những tác động không nhỏ đến EU (Ảnh AP)

Các biện pháp trừng phạt của Nga đang tác động mạnh tới nhiều nền kinh tế của Liên minh châu Âu. Trước thềm cuộc họp, nhiều nhà lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu cân nhắc lại về các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga.

Trong một tuyên bố trước báo giới, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã kêu gọi Liên minh châu Âu cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga, cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đang tự làm hại tới nền kinh tế của các nước thành viên khối này.

Theo ông Orban, khi Liên minh châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Nga cũng ngay lập tức đáp trả các biện pháp trừng đối với Liên minh châu Âu. Một trong những tác động nhất tới nền kinh tế của các nước thành viên Liên minh  châu Âu chính là việc Nga cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Liên minh châu Âu. Điều này đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Hy Lạp. Thủ tướng Orban kêu gọi Liên minh châu Âu cân nhắc lại các biện pháp này.

Tuyên bố của Thủ tướng Hungary đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga, cho rằng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu là không có ý nghĩa gì cả mà nó chỉ càng đe dọa tới sự tăng trưởng của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp Áo Andrae Rupprechter, từ khi Nga áp dụng lệnh cấm, ngành nông nghiệp và thực phẩm của Áo ước tính đã thiệt hại gần 6 triệu USD. Lệnh cấm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mặt hàng được sản xuất và dán nhãn để xuất sang thị trường Nga, hiện đang nằm trong kho hoặc thậm chí đang trên đường tới nước này. Ngoài ra, mức thiệt hại trên còn chưa tính đến những tác động tiêu cực khác như sự hạ giá mạnh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Trước đó, trong cuộc họp với Ủy viên về nông nghiệp của Liên minh châu Âu Dacian Ciolos ngày 12/8, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan đã yêu cầu Liên minh châu Âu có những biện pháp hỗ trợ, bồi thường cho nông dân nước mình. Bởi lẽ, theo sắc lệnh mới nhất của Nga, Ba Lan không được phép nhập trái cây và rau củ quả vào Nga. Đầu tháng, Nga còn cấm nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan với lý do phát hiện những trường hợp cúm lợn ở Ba Lan và Lithuania. Liên tiếp bị cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt, nền nông nghiệp của Ba Lan đang rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Trước những phản hồi của các nước thành viên, Uỷ ban châu Âu (EC) hôm qua cho biết sẽ đưa ra biện pháp ổn định thị trường để đối phó với việc Nga cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Liên minh châu Âu (EU), đầu tuần tới.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, Roger Waite cho biết: “Các loại rau quả dễ bị thối hỏng ở những vùng đã đến vụ thu hoạch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng ta đang ở trong tình thế là thị trường xuất khẩu hàng nông sản chính của chúng ta đột ngột biến mất mà chưa có thị trường thay thế. Do vậy, Ủy ban châu Âu quyết định sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm xử lý các loại rau dễ thối hỏng trong những tuần tới.”

Hiện tại, Ủy ban châu Âu cũng đã yêu cầu các nước thành viên cung cấp chi tiết dữ liệu thị trường mới nhất để cơ quan này có thể kịp thời cập nhật thông tin và có những đánh giá đầy đủ về tình trạng thị trường trong các khu vực chịu tác động từ lệnh cấm của Nga.

Hiện Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra phân tích sơ bộ về các khu vực chính bị ảnh hưởng từ lệnh cấm trên cũng như thiết lập một cơ chế giám sát thị trường tăng cường và sẽ tiếp tục tiến hành họp hàng tuần với các nước thành viên Liên minh châu Âu trong giai đoạn khẩn cấp này. Bản phân tích đầy đủ sẽ sớm được hoàn tất để làm cơ sở cho các phiên thảo luận chính trị tiếp theo về vấn đề này.

Không biết là sau cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu ngày 15/8, khối này có bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga hay không song một thực tế là các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga và của Nga đối với Liên minh châu Âu đang tác động mạnh đến đời sống xã hội của cả hai bên.

Theo thống kê, lĩnh vực nông sản của Liên minh châu Âu chịu thiệt hại nặng nề sau sắc lệnh cấm nhập khẩu hàng nông sản của Nga. Trong đó, Ba Lan, Pháp, Hà Lan, Đức bị thiệt hại nhiều nhất vì lượng nông sản xuất sang Nga của các nước này đều ở khoảng 1,6 đến 2 tỷ USD.

Trong khi Mỹ xuất sang Nga lượng hàng hóa nông sản trị giá 1,2 tỷ USD, chưa đến 1% tổng sản lượng xuất khẩu trên toàn cầu của Mỹ, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu xuất sang Nga lượng nông sản trị giá 15,8 tỷ USD, chiếm 10% lượng sản xuất của khu vực này.

Về phía Nga, người tiêu dùng là người chịu thiệt thòi nhất khi 55% mặt hàng nông sản nhập khẩu của Nga là đến từ các nước phải áp dụng sắc lệnh trừng phạt. Riêng với mặt hàng sữa thì đến 95% lượng sữa nhập khẩu vào Nga đã bị gián đoạn. Ngoài việc kêu gọi người dân nỗ lực gia tăng sản xuất, Nga cũng đang phải tìm ra được những đối tác để thay thế cho các quốc gia Liên minh châu Âu./.