Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) đã nhất trí phối hợp gia tăng sức ép và nhất trí mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine vì cho rằng Nga hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Như vậy, sau một thời gian miễn cưỡng áp đặt các biện pháp kinh tế khắc nghiệt chống lại Nga dưới áp lực của Mỹ, EU đã có thay đổi rõ ràng về lập trường trong vấn đề Ukraine sau khi xảy ra vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi ở khu vực chiến sự miền Đông Ukraine. Nga đã có phản ứng “khá bình tĩnh” trước những sức ép này.

mh17_grms.jpgMảnh vỡ của MH17 ở khu vực miền Đông Ukraine (Ảnh: AP)

Trong lúc cuộc điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia vẫn đang được tiến hành, thì phương Tây đã vội vàng cáo buộc Nga dính líu đến thảm họa này thông qua việc hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Sự kiện này đã và đang trở thành “cái cớ” để phương Tây thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ và cả Nhà Trắng tuyên bố rằng Nga cung cấp cho lực ly khai ở miền Đông Ukraine những hệ thống tên lửa phòng không. Không cần chờ hoàn thành việc điều tra, chính quyền Mỹ đổ lỗi cho Nga về thảm họa MH17 trên bầu trời Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (28/7) đã có cuộc điện đàm đồng thời với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Anh, Italy để thảo luận một loạt vấn đề thế giới, trong đó có khủng hoảng tại Ukraine. Nữ Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Wirtz cho biết, lãnh đạo 5 nước khẳng định tầm quan trọng của việc cùng áp đặt trừng phạt Nga khi cho rằng vũ khí và thiết bị quân sự tiếp tục được chuyển vào miền Đông Ukraine, trong khi các tay súng vẫn xâm nhập vào khu vực này từ biên giới Nga.

Các nhà lãnh đạo trên nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt là nhằm gây sức ép với Nga để tình hình Ukraine không tồi tệ thêm cũng như góp phần tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm, ông Tony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, trong tuần này, Mỹ sẽ phối hợp các nỗ lực với Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với lý do Moscow hậu thuẫn lực lượng ly khai ở Ukraine.

Ông Blinken nói: “Các nhà lãnh đạo châu Âu đã chia sẻ đánh giá này và quyết tâm hành động. Chúng tôi hy vọng Liên minh châu Âu sẽ có các bước đi tiếp theo trong tuần này, trong đó bao gồm các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Nga. Cùng với đó, Mỹ sẽ thực thi các biện pháp riêng. Mục đích của chúng tôi không phải là trừng phạt Nga mà muốn nói rõ rằng họ phải ngừng việc hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở Ukraine”.

Cố vấn an ninh Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay đã tác động đến kinh tế Nga, nhưng Nga vẫn không ngừng hỗ trợ lực lượng ly khai ở Ukraine, thậm chí còn chuẩn bị cung cấp thêm các bệ phóng rocket cho lực lượng này.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh sau cuộc điện đàm trên xác nhận phương Tây đã nhất trí rằng EU nên khởi động "gói biện pháp trừng phạt cứng rắn theo khu vực" càng nhanh càng tốt. Các nhà quan sát dự đoán Mỹ và EU có thể nhằm mục tiêu vào các khu vực năng lượng, vũ khí và tài chính của Nga. Riêng EU, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm cách tiếp cận của Nga đối với các thị trường tài chính châu Âu và việc trao đổi, buôn bán hàng hóa quân sự, các công nghệ then chốt, đặc biệt cho ngành năng lượng và hàng hóa lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. EU cũng đã đạt thỏa thuận sơ bộ về danh sách bổ sung những cá nhân và công ty bị trừng phạt, ngoài 87 người và 20 tổ chức đã bị trừng phạt trước đó.

Phản ứng lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua khẳng định Nga sẽ không đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU. Theo ông Lavrov, trừng phạt sẽ chỉ khiến Nga độc lập hơn về mặt kinh tế. Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cáo buộc Ukraine vi phạm một nghị quyết quan trọng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chiến dịch chiếm quyền kiểm soát khu vực rơi máy bay MH17.

Ông Churkin cho rằng lực lượng Ukraine đang nhắm vào dân thường tại khu vực trên và không tuân thủ nghị quyết kêu gọi tất cả các bên tránh giao tranh gần khu vực rơi máy bay. Nga cũng đã liên tục chỉ trích việc chính quyền Kiev đàn áp người biểu tình đòi liên bang hóa đất nước ở miền Đông Ukraine và muốn sử dụng vũ lực để “khuất phục” người biểu tình thay vì tìm cách đối thoại./.