Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 5 (AMCC-5) diễn ra từ ngày 5-9/10 theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch thực hiện các chuẩn mực ứng xử trên không gian mạng; các lĩnh vực hợp tác và nâng cao năng lực bảo vệ mạng là những chủ đề quan trọng được thảo luận. Với tư cách là nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác ASEAN về đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng.
Từ đoàn kết, thống nhất…
Theo đánh giá từ hội nghị, mặc dù có những thiệt hại kinh tế đáng kể do dịch Covid-19 gây ra, Đông Nam Á vẫn duy trì vị trí ổn định để tận dụng sự phát triển của công nghệ số. Song, nền tảng kinh tế kỹ thuật số phát triển trong khu vực cũng tiềm ẩn những mối đe dọa tấn công mạng.
Do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN là cùng nhau giải quyết thách thức an ninh mạng một cách tổng thể, bền vững trên tinh thần cùng phối hợp, nhằm hoàn thiện Khung phục hồi tổng thể ASEAN hậu Covid-19, đảm bảo mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nội khối có khả năng phục hồi và bảo mật toàn diện.
ASEAN vốn đã có các quan hệ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên có các cuộc họp bàn các cấp về các chiến lược, định hướng, các hoạt động hợp tác cụ thể về an ninh mạng. Chính sách an toàn thông tin của ASEAN được thể hiện rõ trong bản Kế hoạch tổng thể ICT đến năm 2020, nhằm tăng cường việc đảm bảo an toàn thông tin và tính sẵn sàng trong đối phó với các mối đe dọa an toàn mạng.
Cho đến nay, ASEAN đã thống nhất xây dựng bộ tài liệu Cơ chế phối hợp an toàn mạng ASEAN và thành lập Ủy ban điều phối liên ngành ASEAN: đồng thời tiếp tục xây dựng bộ quy tắc trên không gian mạng của ASEAN.
ASEAN có các hoạt động hợp tác của ASEAN+ về an toàn mạng như các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ; ASEAN-Liên hợp quốc; phối hợp tổ chức diễn tập quốc tế thường niên ASEAN-Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực và phát triển Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
Trung tâm an ninh mạng ASEAN-Singapore (ASCCE) đã được thành lập để các quốc gia thành viên hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin và đào tạo đội ngũ ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng. Trước đó, năm 2016, Singapore đã đầu tư vào một chương trình năng lực mạng ASEAN (ACCP), nhằm tài trợ cho việc xây dựng năng lực chống lại các mối đe dọa kỹ thuật số. Năm 2018, Thái Lan đã xây dựng trung tâm an ninh mạng đào tạo nhân viên thuộc ASEAN chống lại các mối đe dọa mạng tại những khu vực dễ bị tấn công.
Hội nghị AMCC lần này được tổ chức dưới hình thức trực tuyến giữa đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng Internet để kết nối, triển khai các hoạt động kinh tế, công nghệ để truy vết dịch gia tăng hơn bao giờ hết, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở y tế đã xuất hiện trên thế giới. Điều này càng thể hiện sự ứng phó, thích ứng với tình hình cũng như sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN trong đảm bảo an ninh mạng của khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, ASEAN cũng còn gặp không ít khó khăn trong hợp tác an ninh mạng, do chưa đầu tư thích đáng cho lĩnh vực an ninh mạng. Năm 2017, ASEAN chỉ dành khoảng 1,9 tỉ USD tương đương 0,06% GDP cho bảo vệ an ninh mạng (mức trung bình toàn cầu là 0,13%), năm 2019 dành khoảng 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, theo các chuyên gia an ninh mạng, để đảm bảo cam kết bền vững đối với an ninh mạng và giải quyết hiệu quả khoảng cách đầu tư, ASEAN cần chi 171 tỷ USD (0,35-0,61% GDP) trong giai đoạn 2017-2025.
Nỗ lực của các quốc gia trong việc ứng phó, phòng, chống các cuộc tấn công mạng còn gặp khó khăn do hạn chế về năng lực, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; quá trình ban hành các văn bản pháp luật quy định về biện pháp, chế tài thường mất nhiều thời gian, dễ lạc hậu so với những thủ đoạn mới của tin tặc. Năng lực, trình độ của các quốc gia ASEAN trong việc bảo đảm an ninh mạng còn có sự chênh lệch nhất định.
Đến tăng cường trách nhiệm...
Với tư cách là nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác ASEAN về đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng. Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam xác định an ninh, an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt đảm bảo cho quá trình này.
Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng năm 2018. Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế đang được nghiên cứu, xây dựng. Khuôn khổ pháp luật về an ninh mạng tại Việt Nam cũng đang được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng tại Việt Nam, cũng như quá trình hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định trên không gian mạng.
Tiềm lực an ninh mạng, các giải pháp bảo vệ các hạ tầng thông tin trọng yếu được Việt Nam chú trọng tăng cường thông qua việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng chuyên trách; nghiên cứu, phát triển phần mềm, thiết bị công nghệ hiện đại; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế với các nước khu vực và quốc tế để ứng phó kịp thời với các sự cố về cơ sở hạ tầng thông tin.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và Singapore định kỳ trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các thông tin về tình hình an ninh mạng tại khu vực và thế giới; chia sẻ các nội dung liên quan đến chiến lược không gian mạng cũng như quá trình xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực an ninh không gian mạng. Việt Nam tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về an ninh mạng, phòng chống khủng bố, tội phạm buôn bán ma tuý với các nước Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia…
Việt Nam còn tăng cường hợp tác an ninh mạng với các nước ngoài khu vực như Trung Quốc, Nga, EU… Tích cực tham gia hội thảo, các khóa đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật về tình hình an ninh mạng, dữ liệu về các mối đe dọa phần mềm độc hại và các vấn đề bảo mật khác.
Cùng với đó, Việt Nam tích cực ủng hộ việc phát triển luật pháp quốc tế về an ninh mạng, tạo cơ sở để Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN có thể bảo vệ hệ thống và các giá trị quan trọng, phòng tránh các vụ tấn công mạng trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Như vậy, tăng cường hợp tác an ninh mạng trong ASEAN đã dần đi vào chiều sâu, được thể hiện trong các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể; các lĩnh vực hợp tác và nâng cao năng lực bảo vệ không gian mạng, cùng các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng trọng yếu được triển khai xuyên biên giới và đóng vai trò như xương sống kết nối trong khu vực và giữa khu vực với thế giới./.