Trong khuôn khổ chuyến thăm tham dự Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Trung Quốc tại Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày hôm qua (7/6), các ngoại trưởng ASEAN đã tổ chức một cuộc họp không chính thức.
Tại đây, sau khi nghe Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi và ông Erywan Yusof, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei - quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2021 thông báo về kết quả chuyến thăm Myanmar, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi nhấn mạnh việc thực hiện minh bạch 5 điểm đồng thuận đã đạt được để duy trì sự thống nhất của ASEAN.
Theo bà Marsudi, để đạt được 5 điểm đồng thuận này không phải là điều dễ dàng. Bà kêu gọi ASEAN ngay lập tức cử đặc phái viên tới Myanmar như đã thống nhất và cung cấp đầy đủ chủ trương chính sách rõ ràng và quyền giao tiếp với các bên để tạo thuận lợi cho các đặc phái viên hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, ngoài các cam kết của 9 nước thành viên ASEAN, việc thực hiện thành công 5 điểm đồng thuận cũng cần có sự cam kết của Myanmar, đặc biệt là quân đội nước này.
Malaysia và Singapore cũng lên tiếng thừa nhận rằng ASEAN đã rất chậm trong xử lý tình hình ở Myanmar. Sau cuộc họp không chính thức ngày 7/6, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Hishammuddin Hussein cho rằng “Tiến độ của 'năm điểm đồng thuận' đạt được tại cuộc họp Cấp cao ASEAN ở Jakarta vào tháng 4 năm ngoái rất chậm. Tất cả các nước ASEAN đã nhất trí, ASEAN phải hành động tốt hơn để giảm căng thẳng và ngăn chặn bạo lực. Điều này rất quan trọng trong nỗ lực đưa Myanmar trở lại tình trạng bình thường thông qua quá trình chuyển đổi dân chủ, tiến trình hòa bình và phát triển kinh tế bao trùm".
Ông Hishammuddin nhấn mạnh, “cộng đồng quốc tế đang chờ đợi hành động tiếp theo của ASEAN”. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan bày tỏ sự thất vọng về sự phát triển 5 điểm đồng thuận đã đạt được và nhấn mạnh các nỗ lực ngoại giao của ASEAN "chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu có ý chí đối thoại, đàm phán và hòa giải chân thành của Myanmar".
Chuyến đi của hai nhà lãnh đạo ASEAN tới Myanmar
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 5/6, Ban Thư ký ASEAN cho biết, chuyến thăm của Tổng Thư ký Lim Jock Hoi và Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan Yusof, Chủ tịch ASEAN 2021 tới Naypyidaw là sự tiếp nối 5 điểm đồng thuận mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được tại cuộc họp ở Jakarta. Mục đích của chuyến thăm là thảo luận về cách thức ASEAN có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên ở Myanmar và cung cấp hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho Myanmar.
Ngoài cuộc gặp với lãnh đạo Quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, hai nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã gặp gỡ các Bộ trưởng nội các Chính phủ, người đứng đầu phái bộ ASEAN tại Myanmar, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (UN OCHA).
Trong mỗi cuộc họp, hai nhà lãnh đạo ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện năm điểm đồng thuận của ASEAN càng sớm càng tốt. Năm điểm đồng thuận được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí về cuộc khủng hoảng Myanmar bao gồm: chấm dứt bạo lực; "Đối thoại mang tính xây dựng" giữa các bên khác nhau; bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN; tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo; và việc triển khai đặc phái viên đến Myanmar để thảo luận với các bên tại Myanmar. Đồng thời kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài.
Mặc dù vậy, tuyên bố của Ban Thư ký ASEAN không nêu chi tiết về các vấn đề đã thảo luận với Tướng Aung Hlaing, bao gồm lập trường của khối về tổ chức lại cuộc bầu cử tại Myanmar. Ngoài ra, ASEAN cũng không giải thích liệu hai đặc phái viên có gặp các bên liên quan khác ở Myanmar hay không, bao gồm cả Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG)./.