Trong ngày 26/3, lần lượt các đảng phái cũng như các nhóm nghị sĩ trong Hạ viện Anh đã đưa ra các kiến nghị để Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu chỉ thị trong ngày 27/3 về Brexit.

brexit_dwzt.jpg
Một người dân cầm tấm biển phản đối trì hoãn Brexit. Ảnh: Foreign Policy

Đáng chú ý trong số này có kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc thiết lập một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Công đảng đề xuất đàm phán với Liên minh châu Âu một Hiệp định thuế quan mới cùng lúc với việc ký thoả thuận rời bỏ khối. Ngoài ra, theo kiến nghị này, Vương quốc Anh cũng sẽ tham gia vào một số cơ quan quản lý của châu Âu.

Giới phân tích nhận định, đây là kịch bản Brexit mềm theo mô hình Na Uy, và nếu đi theo các kiến nghị này thì nước Anh về bản chất vẫn gắn chặt với Liên minh châu Âu, trừ việc không còn là thành viên trên danh nghĩa của khối. Tuy nhiên, đây cũng là kịch bản tương đối khó xảy ra bởi phía châu Âu  từng nhiều lần khẳng định không có ý định mở lại các phiên đàm phán liên quan đến thoả thuận chia tay.

Trong khi đó, đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) cũng đưa ra quan điểm rằng nếu buộc phải trì hoãn Brexit thì việc kéo dài thời gian trì hoãn 1 năm sẽ tốt hơn là buộc phải phê chuẩn thoả thuận Brexit mà nữ Thủ tướng Theresa May đã đàm phán với EU.

Theo dự kiến, trong ngày 27/3, Hạ viện Anh sẽ thảo luận và tiến hành một loạt các phiên bỏ phiếu chỉ thị về hướng đi của Brexit. Bà Theresa May cũng sẽ có bài phát biểu vào cuối giờ chiều trước các nghị sĩ Anh và giới quan sát nhận định, có thể bà May sẽ đưa ra các thông tin bất ngờ.

Báo chí Anh cho biết, chính phủ Anh trong hai ngày qua đã tổ chức hàng loạt các cuộc gặp riêng trong nội bộ đảng Bảo thủ để bàn về khả năng bà May sẽ từ chức Thủ tướng Anh trong những ngày tới, đổi lại, phe chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ mà dẫn đầu là các nhân vật như Boris Johnson hay Jacob Rees-Mogg sẽ ủng hộ bản thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018./.