Số tiền ngân sách này sẽ được đầu tư vào các dự án mở rộng đường ray xe lửa, xe điện ngầm, trong đó có tuyến nối giữa sân bay quốc tế của thành phố Sao Paulo (nơi khó đi lại bằng đường bộ) với phía Tây của bang Sao Paulo.

Tổng thống Dilma Rousseff nêu rõ, kế hoạch này nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân. Tháng 6 năm nay, người dân Sao Paulo đã biểu tình phản đối việc tăng giá xe bus.

Người dân Brazil biểu tình đòi cải cách dịch vụ vận tải công (Ảnh AFP)

Cuộc biểu tình châm ngòi cho một loạt cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài một tháng phản đối giá cả sinh hoạt tăng cao, dịch vụ công yếu kém, nạn tham nhũng và tiền ngân sách bị sử dụng sai mục đích. Vào lúc cao điểm, 1 triệu người Brazil đã đổ ra đường phố, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Tổng thống Rousseff.

Việc lãnh đạo Brazil tuyên bố, kế hoạch mở rộng và nâng cấp đường sắt, xe điện ngầm là tín hiệu cho thấy, chính phủ nước này đang cố gắng đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Bà Rousseff nhấn mạnh: “Chính phủ và chính quyền bang Sao Paolo đã phối hợp để giải quyết các vấn đề cấp bách tại các thành phố lớn. Chúng tôi xác định, các cơ quan chức năng cần phối hợp tìm hiểu những vấn đề, vướng mắc, để có biện pháp giải quyết tốt nhất”.

Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Brazil công bố dự án trị giá 1,3 tỷ USD xây dựng 99 km đường cao tốc mới phục vụ cho xe buýt ở Sao Paulo và dự kiến sẽ có các dự án giao thông đô thị khác trên cả nước.

Dưới sức ép phải đáp ứng nhu cầu đi lại vào dịp Olympic 2016 sắp tới, chính quyền bang Rio de Janeiro, đang lên kế hoạch xây dựng hầm đường cao tốc dọc tại một quận nội đô thường bị tắc nghẽn giao thông./.