Đầu tháng 10 vừa qua, tại Tokyo, Ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã gặp nhau, thảo luận về biện pháp hợp tác song phương và đa phương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang nổi lên cả ở kinh tế và quân sự trong khu vực.
Sự liên kết 4 nước này, hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương” dựa trên sáng kiến của Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, sau đó được đẩy lên thành một mối quan hệ đặc biệt giữa bối cảnh Ần Độ đang căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biên giới còn Australia hối thúc một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc phát sinh virus SARS-CoV-2 làm chao đảo cả thế giới. Nhật Bản và Mỹ thì gay gắt về hành động đơn phương của Trung Quốc mang tính quân sự tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho rằng đây là cuộc gặp có ý nghĩa về một giá trị bất biến mà Nhật Bản làm chủ đạo. Hơn thế nữa, Ngoại trưởng Mỹ mong muốn tạo ra một Liên minh các nước dân chủ mới nhằm đối kháng với Trung Quốc, đồng thời cũng mong muốn phát triển một đồng minh đa quốc gia giống như NATO, trong đó bao gồm thêm các nước như Hàn Quốc và Việt Nam.
Như vậy, tân Thủ tướng Suga Yoshihide mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm, đó là xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do.
Đây là lần thứ 2 Ngoại trưởng 4 nước trên gặp nhau. Lần thứ nhất, cuộc gặp này được tổ chức vào tháng 9 năm ngoái tại Mỹ.
Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép với Trung Quốc ở hai mặt quân sự và ngoại giao với 2 cáo buộc: thứ nhất là Trung Quốc đã gây hỗn loạn thế giới do giấu thông tin về đại dịch Covid-19 bắt đầu từ Vũ Hán, khiến các nước phải hứng chịu hậu quả; thứ hai là Trung Quốc gia tăng hành động quân sự tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông.
Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ lo ngại trước việc vào tháng 4 năm nay, trong lúc cả thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19 thì Trung Quốc đã phái tàu Liêu Ninh tới khu vực Biển Đài Loan, gây áp lực quân sự đối với Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó vào tháng 7, Hải quân Trung Quốc đồng loạt diễn tập quân sự cùng lúc tại 3 khu vực là Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Ngay sau đó, Hải quân Mỹ cũng đã phái 2 hàng không mẫu hạm tới khu vực Biển Đông thực hiện diễn tập quân sự. Việc cả hai bên thực hiện diễn tập quân sự với quy mô lớn tại cùng khu vực là việc chưa từng có.
Tiếp tới, tháng 4, quân đội Trung Quốc bắn 4 phát tên lửa tầm trung hướng vào Biển Đông. Căng thẳng giữa Mỹ - Trung được đẩy lên một nấc mới. Ngay sau đó, Mỹ đã phái tàu sân bay đến khu vực Biển Đông nhằm ngăn chặn hành vi của Trung Quốc.
Về mặt ngoại giao, Mỹ cũng đã đưa ra chính sách ngoại giao đối kháng với Trung Quốc, cụ thể là việc chuyển đổi lâp trường sẽ cùng giải quyết vấn đề cùng các nước đương sự có tranh chấp về lãnh thổ. Tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”, đồng thời sẽ hỗ trợ các nước liên quan bao gồm Philippines đối kháng với Trung Quốc.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng với báo chí Nhật Bản, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng thế giới đã chịu “uy hiếp” của Trung Quốc trong thời gian dài, đồng thời phê phán nước này đang có những hành động quân sự vượt quá giới hạn tại Biển Đông và Hoa Đông. Đây là một chủ đề khẩn cấp của cộng đồng quốc tế. Do đó, các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà đầu tiên là Nhật Bản cần phải hợp tác chặt chẽ, đối phó với những hành vi đó của Trung Quốc.
Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước Nhật-Mỹ-Australia và Ấn Độ tại Nhật Bản vừa qua là để thống nhất việc phản đối hành vi của Trung Quốc, đảm bảo thực hiện khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Không chỉ có 4 nước trên mà cả Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần phải có giá trị quan chung trong việc đối phó với Trung Quốc vì những hành động uy hiếp kẻ yếu bằng quân sự.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun trong một sự kiện ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức vào tháng 8 năm nay cũng đã thừa nhận rằng, hiện nay ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chưa có một tổ chức đa quốc gia nào được hoạt động giống như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, trong tương lai cần phải phát triển khối đồng minh đa quốc gia giống như NATO đã từng làm.
Tuy vậy, trong 4 nước này, tuy có những thống nhất chung, nhưng Mỹ-Nhật thì mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc mở rộng hoạt động tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, nhưng Australia và Ấn Độ vẫn coi trọng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Đây được coi là điểm khác biệt trong lập trường của 4 nước hiện nay.
Dù vậy, kể từ tháng 4 năm nay, khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi việc điều tra độc lập về nguồn gốc phát sinh đại dịch Covid-19, thì quan hệ Australia-Trung Quốc rơi vào trạng thái nguội lạnh. Trong khi đó, vào tháng 6, tại khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, quân đội hai nước đã xảy ra đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Theo các chuyên gia Mỹ, đây là cơ hội để Ấn Độ với Mỹ-Nhật Bản và Australia tiến lại gần nhau, hợp tác chặt chẽ về mặt an ninh trong tương lai.
Tháng sau, cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra, dù Tổng thống Mỹ là ai, theo Ngoại trưởng Mike Pompeo thì việc tiếp tục tăng cường hợp tác 4 nước hướng tới cấu trúc mạng lưới “bao vây” Trung Quốc vẫn là mục đích chính trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Australia
Đồng minh với Mỹ là trụ cột trong chính sách ngoại giao của Australia. Trong bối cảnh quan hệ Australia - Trung Quốc đang nguội lạnh, Australia mong muốn tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cả ở lĩnh vực an ninh và kinh tế.
4 năm trước, vào năm 2016, sau sự kiện một Thượng nghị sĩ Australia được cho là đã nhận tiền từ 1 công ty của Trung Quốc để ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, dư luận trong nước dậy sóng, khiến quan hệ Trung Quốc - Australia trở nên căng thẳng. Tháng 4/2020, Trung Quốc đáp trả Australia việc nước này yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc phát sinh dịch Covid-19 bằng hành động đình chỉ nhập khẩu một phần các sản phẩm thịt từ Australia.
Đáp trả lại, Australia đã hợp tác với Mỹ, thống nhất trong Hội nghị Bộ trưởng 2+2 (Ngoại giao và Quốc phòng), không thừa nhận chủ trương về quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Ở mặt kinh tế, Australia và Nhật Bản, Ấn Độ đã họp trực tuyến trong tháng 9 vừa qua, thống nhất tăng cường “chuỗi cung ứng toàn cầu” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở mặt hàng là thiết bị ô tô và vật tư y tế ngay cả trong khi đại dịch Covid-19 lây lan. Thủ tướng Australia cũng đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản, cam kết sẽ thăm Nhật Bản trong thời gian sớm nhất có thể.
Nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ashley Townshend thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Đại học Sydney cho rằng, Trung Quốc cũng đã “nắm trong tay” ý tưởng của Mỹ-Nhật-Australia-Ấn Độ. Nếu không để phải nhận áp lực từ Trung Quốc, 4 nước này phải đảm bảo được “chuỗi cung ứng” mà cụ thể là các sản phẩm, hàng hóa chủ yếu trong khu vực một cách ổn định. Trong đó, Australia bên cạnh tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng phải kết nối được việc hợp tác đó để phát triển nền kinh tế trong nước.
Ông cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ảnh hưởng ra thế giới một cách bất chấp, chính quyền Mỹ cũng chưa có khả năng thay đổi chính sách ngoại giao, thì quan hệ hợp tác giữa Australia và Nhật Bản là vô cùng quan trọng trong chính sách ngoại giao của mỗi nước, vốn không thể thiếu để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và tự do.
Ấn Độ
Ấn Độ được coi là nước có chính sách ngoại giao không mấy thay đổi đối với các nước trên. Tuy nhiên, tình hình thế giới biển động gần đây đã khiến nước này đã tăng cường hơn mối quan hệ với Mỹ, Nhật và Australia, nhất là ở lĩnh vực an ninh.
Sau sự kiện đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào hồi tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã ký Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) với Nhật Bản vào tháng 9 với mục đích có thể cung cấp cho nhau lương thực, nhiên liệu và một số mặt hàng khác trong quân đội 2 nước.
Đồng thời, Ấn Độ thường xuyên tham gia Hội nghị 2+2 với Mỹ, tăng cường hợp tác quốc phòng với Australia trong khuôn khổ chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, Ấn Độ tiến hành tập trận định kỳ với Nhật, Mỹ và khả năng Australia cũng sẽ tham gia tập trận định kỳ vào nhóm này.
Ở lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ cũng tích cực thúc đẩy chính sách “Decoupling” nghĩa là “tách rời tương quan”, dần thoát ảnh hưởng quá lớn về kinh tế từ Trung Quốc vốn đã tồn tại từ lâu. Nhất là sau dịch Covid-19 và xung đột biên giới Trung-Ấn, chủ nghĩa “phản đối Trung Quốc” đang dần nóng tại Ấn Độ, khiến chính quyền Ấn Độ phải chuẩn bị “tâm thế” mới.
Chính quyền Thủ tướng Modi trong vòng nửa năm trở lại đây trừ lĩnh vực an ninh, đã siết chặt lại quy chế đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vốn tự do thực hiện từ trước đó, đồng thời cấm sử dụng phần mềm TikTok và máy điện thoại do Trung Quốc sản xuất. Bên cạnh đó, để tham gia vào “chuỗi cung ứng toàn cầu” như đã cam kết cùng các nước khác, Ấn Độ “mạnh tay” chuyển hoạt động của nhiều công ty từ Trung Quốc về nước.
Giáo sư Srikanth Kondapalli thuộc trường Đại học Neru, chuyên nghiên cứu về Ấn Độ nhận định rằng, trước kia, phi đồng minh là phương châm chính của Ấn Độ trong chính sách ngoại giao nhưng những biến động gần đây, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc đã làm thay đổi chính sách ngoại giao của Ấn Độ.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác gây áp lực đối với Trung Quốc.
Như vậy “Bộ tứ kim cương” bao gồm Nhật-Mỹ-Australia-Ấn Độ đang hy vọng sẽ tạo là một “quyền lực mới” trong trật tự thế giới nhằm cân bằng những lợi ích cho các bên một cách công bằng, song thực tế ra sao vẫn cần thời gian trả lời./.