Thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ 4 – 8/10. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump mắc Covid-19, ông Pomeo đã phải cắt ngắn lịch trình và chỉ tới Nhật Bản.
Với Nhật Bản, đây là lần đầu tiên tân Thủ tướng nước này tiếp các phái viên nước ngoài. Với Mỹ, đây là chuyến công du đầu tiên tới châu Á của người đứng đầu Bộ Ngoại giao trong hơn 1 năm qua.
Vì thế, khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp nhau dưới lá cờ Mỹ và Nhật bay trên bầu trời Tokyo hôm 6/10, hai người đã có "cái bắt tay" chào hỏi theo kiểu dùng 2 nắm đấm chạm vào nhau chắc chắn là lâu nhất trong mối quan hệ liên minh suốt 7 thập kỷ qua khi kéo dài tới gần 15 giây.
Cử chỉ này đã nhấn mạnh tầm quan trọng mà cả hai bên muốn thể hiện trong cuộc gặp mặt trực tiếp này, đó là sự đoàn kết trong mối quan hệ Nhật - Mỹ khi đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc, thậm chí giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trong Nhà Trắng và Nhật Bản đang cẩn trọng trong việc mở cửa biên giới với du khách nước ngoài.
Cuộc gặp mặt ở Tokyo, vốn gồm cả các Ngoại trưởng của Australia và Ấn Độ - 2 nước thành viên trong liên minh chiến lược Quad (nhóm Bộ tứ Kim cương) cùng với Mỹ và Ấn Độ, đã được lên kế hoạch trước khi Tổng thống Trump mắc Covid-19. Tuy nhiên, việc chuyến công du này vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí giữa bối cảnh các Hội nghị Thượng đỉnh đã phải chuyển sang hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19 đã cho thấy một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đánh giá cao các mối quan hệ đa phương này như thế nào, bất chấp việc nhà lãnh đạo Mỹ luôn nêu cao chính sách "Nước Mỹ trên hết".
"Đối với những rối ren đang diễn ra ở thủ đô Washington hiện nay thì chuyến công du này thực sự là một diễn biến tích cực", Gordon Flake, người điều hành Trung tâm Perth USAsia tại Đại học Tây Australia đánh giá.
"Thực tế là những điều Mỹ đang thể hiện, bất chấp những diễn biến trên thế giới và các vấn đề nội bộ trong Nhà Trắng hiện nay, đã cho thấy Washington coi trọng 3 đối tác chủ chốt này. Nếu không có Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, thật sự sẽ không có bất kỳ sự phản ứng nào tại khu vực trước những thách thức an ninh trong các thập kỷ tới", Ngoại trưởng Pompeo cho hay.
Hồi chuông cảnh báo ở khu vực
Giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động quân sự trong khu vực và có các động thái ngày càng quyết đoán liên quan đến vấn đề Hong Kong, 4 quốc gia trên đang tìm cách hợp tác về quân sự, kinh tế và công nghệ, đồng thời gửi một thông điệp nhất quán về sự cảnh giác với Bắc Kinh.
Theo nhà phân tích Flake, giữa lúc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi vũ đài quốc tế, Trung Quốc đã có "một môi trường vô cùng thuận lợi để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và làm suy yếu ảnh hưởng Mỹ, vốn là một mục tiêu của Bắc Kinh. Vì thế, thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc "là một hồi chuông cảnh báo với khu vực nói chung".
Tuy nhiên, dường như chỉ có Mỹ, quốc gia có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, sẵn sàng gọi tên mối đe dọa này trong cuộc gặp ở Tokyo.
Trong những bình luận tối 6/10, ông Pompeo khẳng định các thành viên của Quad cần bảo vệ người dân khỏi "sự lợi dụng, sự nhũng loạn và sự cưỡng ép của Trung Quốc", đồng thời đổ lỗi cho Bắc Kinh về việc che giấu đợt bùng phát dịch Covid-19 ban đầu ở Vũ Hán. Một thông báo về cuộc gặp của ông Pompeo với Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng miêu tả các cuộc thảo luận của họ tập trung vào chủ đề "các hành vi xấu xa của Trung Quốc trong khu vực".
Những bình luận của bà Payne trên Facebook về cuộc gặp với ông Pompeo dù không nêu cụ thể tên Trung Quốc nhưng hàm ý thì đã rõ.
"Dù đó là vấn đề nhân quyền, nền kinh tế thị trường, đối phó với việc sai lệch thông tin hay xây dựng khả năng phục hồi lớn hơn trong chuỗi cung ứng của chúng ta thì những giá trị và lợi ích chung đồng nghĩa với việc chúng ta cùng chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng".
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích hiểu rõ tất cả những cách diễn đạt khác nhau liên quan đến "Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do", được nêu ra trong những bình luận của bà Payne, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hay Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đều nhằm đến Trung Quốc.
Dù vậy, trong khi các quan chức Mỹ là đồng minh của ông Trump chỉ trích Trung Quốc để thể hiện lập trường cứng rắn với nước này và gia tăng cơ hội tái đắc cử của ông thì các thành viên khác của Quad, do sự gần gũi về mặt địa lý và sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, đều thận trọng trong những tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh.
Một ngày trước khi các Ngoại trưởng gặp nhau tại Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato khẳng định "các mối quan hệ ổn định với cả Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, vô cùng quan trọng với cộng đồng quốc tế".
"Khi chúng ta nói về Quad, một số người thể hiện mối lo ngại về việc liệu Trung Quốc sẽ nghĩ gì về điều này", Narushige Michishita, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia tại Tokyo đánh giá.
Theo ông Michishita, Quad trao đổi "về Trung Quốc nhưng chúng ta nói rằng đó không phải là về Trung Quốc. Mọi người đều biết điều đó. Trung Quốc biết điều đó. Chúng ta không cần nói quá nhiều".
Bộ tứ kim cương có đủ sức nặng để đối phó Trung Quốc?
Sự hợp tác giữa 4 quốc gia, được biết đến với tên gọi chính thức là Đối thoại an ninh 4 bên, bắt đầu từ năm 2004 nhằm điều phối việc giảm nhẹ tác động của thảm họa và hỗ trợ nhân đạo do các đợt sóng thần nguy hiểm khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka và Nam Phi.
Tuy nhiên, khi nhóm này dần phát triển thành một tổ chức hợp tác về an ninh và ngoại giao, Bắc Kinh đã coi nó là một nỗ lực trực tiếp nhằm kiềm chế sự nổi lên của nước này. Australia và Ấn Độ cũng đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc, nên sau đó nhóm này đã sụp đổ.
"Vẫn còn quá sớm", Lavina Lee, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Macquarie tại Sydney, Australia nhận định. Phiên bản ban đầu của Quad đang tạo ra tình thế lưỡng nan an ninh chưa từng tồn tại.
"Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang ở một giai đoạn rất khác trong lịch sử. Từ năm 2012, Trung Quốc rõ ràng ngày càng quyết đoán và hung hăng hơn trong các vấn đề về lãnh thổ và việc thực hiện các tham vọng trong khu vực. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn không hề chấm dứt việc này", chuyên gia Lee đánh giá.
Hồi tháng 6, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra cuộc xung đột biên giới tồi tệ nhất trong 40 năm qua trong khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Canberra ngày càng lao dốc sau khi Australia tiến hành cuộc điều tra về cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã lên kịch bản thao túng nền chính trị của nước này.
Nhật Bản cũng gia tăng thận trọng với Trung Quốc khi Bắc Kinh nhiều lần đưa tàu tới tuần tra ở vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
"Nếu có các biểu đồ Venn (sơ đồ tập hợp) và đặt tất cả các yếu tố trên vào, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một sự chồng lấn khá lớn về việc mỗi nước trong 4 quốc gia trên suy nghĩ như thế nào về an ninh khu vực, rằng sẽ có sự tự do về hàng hải cũng như thương mại mở, và các nước không nên bị ép buộc chấp nhận những kết quả đi ngược lại với lợi ích của họ", Bonnie S. Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế tại Washington cho hay.
Mặc dù không có tuyên bố chung nào trong chương trình nghị sự của 4 nước trên nhưng có thể các Ngoại trưởng sẽ thảo luận về việc phát triển một quỹ đầu tư hỗ trợ các nước châu Á đang phát triển thông qua các dự án cơ sở hạ tầng nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, hợp tác về chuỗi cung ứng nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phát triển mạng lưới 5G để không phụ thuộc vào tập đoàn Huawei của Trung Quốc và mời Australia tham gia tập trận hải quân chung với 3 nước trên.
Liên minh này có "đủ sức nặng và sẵn sàng làm những việc trên cùng nhau", song sẽ khiến Bắc Kinh gia tăng chỉ trích về sự hợp tác này, Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings ở Washington đánh giá./.