Ngày 6/3, tại Cung điện Versailles, phía Tây thủ đô Paris (Pháp) lãnh đạo 4 nền kinh tế hàng đầu châu Âu gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy nhóm họp nhằm tìm kiếm giải pháp ứng phó với những hệ lụy từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

merkel_hollande_oxiq.jpg
Lãnh đạo Pháp và Đức, hai đầu tàu của EU, chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng về tương lai của khối và kế hoạch cải tổ liên minh này. Ảnh: DPA.

Được coi là một Hội nghị cấp cao EU thu nhỏ, cuộc gặp lần này cũng nhằm thúc đẩy ý tưởng về “một liên minh châu Âu nhiều tốc độ” để đối phó với một châu Âu bị coi là trì trệ hiện nay.

Là một trong những tòa lâu đài đẹp nhất thế giới, Cung điện Versailles cũng là một địa điểm mang tính lịch sử khi chứng kiến lễ ký hòa ước kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1919. Gần 1 thế kỷ sau sự kiện này, Cung điện Versailles lại một lần nữa chứng kiến những nỗ lực của cặp đôi Pháp - Đức nhằm khôi phục một châu Âu đang bị chia rẽ.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp ước Rome tạo nền móng cho Liên minh châu Âu ngày nay vào ngày 25/3 tới.

Tuy nhiên, những tác động của việc Anh rời khỏi EU và sự gia tăng chủ nghĩa dân túy đang làm dấy lên làn sóng hoài nghi về tương lai của Liên minh gần 60 năm tuổi này.

Bên cạnh đó, EU cũng đang phải đối mặt với một loạt cuộc bầu cử đầy căng thẳng, như bầu cử Quốc hội tại Hà Lan diễn ra trong tháng 3, tiếp đến là bầu cử tổng thống Pháp trong tháng 4 và tháng 5, và bầu cử liên bang ở Đức vào tháng 9.

Trong bối cảnh này,  cuộc gặp được xem là dịp để 4 nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu xác định những con đường để đi tới “một châu Âu nhiều tốc độ”, hiệu quả hơn, cụ thể hơn dưới con mắt của người dân châu Âu.

Trong số 5 kịch bản cải cách Liên minh châu Âu mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đưa ra mới đây, từ một thị trường chung đơn thuần tới một sự hội nhập tăng cường, cũng có kịch bản về một châu Âu nhiều tốc độ, ở đó những người muốn hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng hay quản trị khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không bị cản trở bởi những bên vốn còn đang lưỡng lự.

“Liệu các nước thành viên Liên minh châu Âu có luôn phải tiến lên với cùng một tốc độ hay không?” – ông Juncker đặt vấn đề. “Nếu chúng ta không thể đi tới một thỏa thuận với tất cả 27 quốc gia thành viên thì những nước muốn hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng hay quản trị khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng sẽ không bị cản trở bởi những bên vốn còn đang lưỡng lự. Cùng với đó, những nước không thể hay không muốn tham gia từ đầu thì cũng có thể tham gia sau này.”

Pháp và Đức, hai đầu tàu của khối cũng tin vào lựa chọn này.

Phát biểu hôm 3/2 vừa qua tại Malta, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, sẽ có một Liên minh châu Âu với nhiều tốc độ khác nhau, tất cả các nước thành viên sẽ không cần phải tham gia vào tất cả các giai đoạn của tiến trình hội nhập.

Cả Pháp và Đức đều cho rằng, cần phải hành động khẩn cấp nhằm phục hồi một châu Âu đang khủng hoảng, sau một loạt cơn địa chấn, từ cuộc khủng hoảng đồng euro đến cuộc khủng hoảng người tị nạn và hiện nay là việc nước Anh rời EU.

Tất cả đều lo ngại về sự trỗi dậy của các đảng hoài nghi châu Âu. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker, các nước thành viên EU cần phải đưa ra một lựa chọn rõ ràng và không để sự phát triển của khối trở thành con tin của các cuộc bầu cử.

“Tương lai của châu Âu không nên trở thành con tin của các cuộc bầu cử, của các đảng chính trị” – bà Merkel khẳng định. “Brexit dù là một sự đáng tiếc, nhưng sẽ không thể ngăn EU tiến đến tương lai của mình. Chúng ta sẽ tiếp tục con đường của mình và đó là điều mà chúng ta phải làm.”

Trên thực tế, châu Âu nhiều tốc độ không phải là một ý tưởng mới, mà đã được thực hiện tại châu Âu, cụ thể là sự ra đời của không gian tự do đi lại Schengen và Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, việc thực hiện ý tưởng này cũng đang đặt EU trước những vấn đề không dễ giải quyết.

Vì thế, theo các nhà phân tích, để không chống lại bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các nước phía Đông lo ngại bị đẩy lại phía cuối con tàu châu Âu, tại cuộc gặp lần này, các nhà lãnh đạo 4 nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu  sẽ không đưa bất kỳ tuyên bố cụ thể nào./.