Các nước Phương Tây đã tạm thời đóng cửa cơ quan ngoại giao ở các nước Hồi giáo.

bieu-tinh.jpg
Làn sóng biểu tình dâng cao ở nhiều nước trên thế giới (ảnh: AP)

Tại Pakistan, mặc dù chính phủ đã tuyên bố ngày 21/9 là ngày nghỉ lễ đột xuất để mọi người "thể hiện sự sùng kính với Nhà tiên tri Mohammed", đồng thời kêu gọi biểu tình hòa bình, song bạo lực vẫn xảy ra nghiêm trọng. Ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia Trung Đông và châu Á, hàng chục nghìn người Hồi giáo đã xuống đường biểu tình sau buỗi lễ cầu nguyện ngày 21/9.

Ðúng 11 năm kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, nước Mỹ một lần nữa bị chao đảo. Đã hơn 1 tuần lễ trôi qua kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát phản đối bộ phim xúc phạm đạo Hồi, sự căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Tunisia Rafik Abdessalam ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi chính phủ các nước bảo vệ phái bộ ngoại giao nước ngoài, đồng thời khẳng định ưu tiên của Mỹ là bảo vệ các nhà ngoại giao.

Bà Hillary Clinton nói: “Chúng tôi đang giám sát rất chặt chẽ tình hình. Ưu tiên hàng đầu lúc này của chính quyền Mỹ đó là sự an toàn của người dân Mỹ. Chúng tôi đã đưa ra một số biện pháp nhằm củng cố an ninh và bảo vệ sự an toàn của những cơ quan ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ các nước có nhiệm vụ bảo vệ những cơ quan ngoại giao. Đây phải là địa điểm an toàn và được bảo vệ”.

Giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối bộ phim tiếp tục lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, ngày 19/9 vừa qua, 1 tạp chí của Pháp lại đăng bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed. Trong bối cảnh hiện nay, hành động này được cho là "đổ thêm dầu vào lửa". Giới chức Pháp đã buộc phải lập tức ra lệnh tăng cường an ninh, đồng thời quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại 20 nước bắt đầu từ ngày hôm qua để đề phòng bị tấn công. Việc tạp chí Pháp công bố những bức ảnh vào thời điểm này cũng đang làm dấy lên mối lo ngại an ninh trên toàn châu Âu. Chính quyền nhiều nước đã ban bố các biện pháp đảm bảo an ninh tại các cơ quan ngoại giao của mình tại những nước có người Hồi giáo sinh sống. Nhiều phái bộ ngoại giao phương Tây ở các nước Hồi giáo tạm thời bị đóng cửa.

Lo ngại tình hình diễn biến nghiêm trọng hơn, trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã kêu gọi các tôn giáo lớn tìm cách giải quyết bất đồng. Nhiều nhà phân tích cho rằng, làn sóng chống Mỹ hiện nay là hậu quả của một "chuỗi" những chính sách của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với các nước Hồi giáo. Thực tế cho thấy, bộ phim nêu trên chỉ như "giọt nước làm tràn ly" sự phẫn nộ của người Hồi giáo đối với Mỹ./.