Tham gia chạy đua vào Thượng viện năm nay có 545 ứng cử viên, nhiều nhất từ trước tới nay.

Điều đặc biệt      

Thứ nhất, cuộc bầu thượng viện lần này tại Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt khi dịch Covid-19 vẫn còn có khả năng diễn biến phức tạp, và theo thống kê mới nhất số ca nhiễm biến thể mới những ngày gần đây gia tăng đột biến khoảng 50.000 ca trong một ngày. Nhật Bản đang lo ngại bùng phát dịch trong những ngày tới. Cuộc xung đột Nga-Ukrainechưa có những dấu hiệu tìm ra giải pháp hữu hiệu, khiến Nhật Bản và các nước đồng minh mặc dù gia tăng trừng phạt Nga, nhưng ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế lại càng ngày rõ nét khi giá cả tại Nhật Bản tăng vọt, thu nhập giảm…

Thứ 2, số ứng cử viên nhiều nhất từ trước tới nay với 545 người, trong khi đó chỉ có 125 ghế. Đáng chú ý, Đảng Dân chủ tự do (LDP) có 82 ứng viên; Đảng Dân chủ Lập hiến: 51 ứng viên; Đảng Công minh: 24 ứng viên; Đảng Duy tân: 46 ứng viên....Như vậy, đảng liên minh cầm quyền vẫn có số ứng viên nhiều nhất với 106 ứng cử viên. Điều này rất có lợi cho đảng cầm quyền vì những ứng cử viên đều có uy tín cao, việc kiểm soát được phiếu bầu là có khả năng cao hơn so với những đảng phái đối lập.

Thứ 3, có khoảng hơn 46.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc nhưng con số này lại giảm so với những lần bầu cử thượng viện trước.

Thứ 4, trong các cuộc vận động tranh cử, các đảng phái đều có chính sách trọng tâm giống nhau như; xây dựng chính sách kinh tế để ứng phó với giá cả leo thang, đồng yên mất giá; biện pháp ứng phó với Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân… Khoảng 50% cử tri cho rằng chính sách cần thiết hiện tại là chính sách kinh tế phù hợp để phát triển bên cạnh kiện toàn hóa nền tài chính quốc gia.

Kiểm chứng uy tín

Đảng cầm quyền của Thủ tướng Kishida Fumio trong cuộc vận động bầu cử đưa ra khẩu hiệu“Quyết đoán và thực thi - bảo vệ Nhật Bản - kiến tạo tương lai”.

Cụ thể là ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ sau: tăng cường năng lực quốc phòng trong 5 năm tới trong đó tập trung vào “khả năng phản công” để ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công vũ trang vào Nhật Bản, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo (đây cũng là bước đệm để việc cải cách Hiến pháp được thuận lợi với sự tham gia của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài); cân đối sự mất giá của đồng Yen, ổn định thị trường ngoại hối, phục hồi kinh tế địa phương với ngân sách trị giá hơn 1000 tỷ yên; dần từng bước thực hiện  “chủ nghĩa tư bản mới"” do chính quyền Kishida đề ra với việc tạo dựng xã hội sung túc…Ngoài ra, các vấn đề môi trường, anh sinh xã hội…cũng được đề cao.

Với những vấn đề cốt lõi như vậy, đảng của ông Kishida Fumio theo tôi vẫn có lợi thế trội hơn hẳn so với các đảng phái khác và dự đoán sẽ có số phiếu bầu quá bán một cách thuận lợi.

Trên thực tế, cuộc bầu cử Thượng viện cũng giống như cuộc bầu cử định kỳ trong nhiệm kỳ của thủ tướng. Vì vậy, cuộc bầu cử không gây xáo trộn, hay mâu thuẫn giữa các đảng phái, hay nội bộ đảng cầm quyền, và nó cũng không gây ảnh hưởng mang tính tiêu cực tới chính trường Nhật Bản. Đây không hẳn là phép thử mà chỉ là việc xác nhận lại niềm tin của cử trí đối với Thủ tướng Kishida Fumio nó ở mức độ nào, có cao hơn so với trước khi ông là thủ tướng hay không và trong quá trình giữ cương vị này thì việc thực hiện cam kết của ông như thế nào.

Nỗ lực cải cách Hiến pháp sớm

Không chỉ nắm giữ tương lai của Liên minh cầm quyền, cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần này còn đóng vai trò quyết định đối với việc sửa đổi Hiến pháp.

Nếu thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này, thì ông Kishida Fumio sẽ “danh chính ngôn thuận” hơn trong việc quyết định sửa đổi Hiến pháp, vừa thực hiện được lời hứa với “tiền bối” cũng như thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt từ nhiều năm trước. Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2021, đảng Dân chủ Tự do cam kết “hiện thực hóa” Hiến pháp, nhưng trong cuộc vận động bầu cử Thượng viện lần này nâng mức độ thực hiện sửa đổi bằng khẳng định “sửa đổi sẽ được thực hiện ở giai đoạn sớm”. Ngoài ra, đảng liên minh cầm quyền, đảng Công Minh cũng khẳng định sẽ được thay đổi thành “thúc đẩy xem xét” chứ không chung chung là thảo luận như trước nữa.

Mặc dù vậy, trong các đảng phái đối lập thì có đảng Dân chủ lập hiến  phản đối đề xuất của Dân chủ Tự do về việc xoá bỏ quy định ràng buộc của Lực lượng Phòng vệ trong Điều 9 của Hiến pháp. Còn các đảng phái khác thì chỉ đưa việc cải cách Hiến pháp là việc sẽ xem xét.

Theo kết quả điều tra mới nhất do Đài NHK thực hiện về việc có cần phải cải cách Hiến pháp hay không? Có 53% nói cần phải cải cách Hiến pháp, trong khi đó tỷ lệ thấy không cần thiết là 30%.

Tỷ lệ ủng hộ các đảng là Tự do Dân chủ 35,6%, thứ 2 là đảng Dân chủ Lập Hiến với 6.0%, đảng Công Minh 4,6%, đảng Hội Duy tân Nhật Bản, đảng Cộng sản 2.6%... Liên minh Tự do Dân chủ và Công Minh tổng cộng trên 40%.

Như vậy, rõ ràng đảng liên minh cầm quyền đang rất tự tin trong cuộc bầu cử thượng viện lần này và họ tự tin rằng những chính sách của họ đưa ra sẽ tiếp tục được thúc đẩy thực hiện, cải cách Hiến pháp sẽ được quyết định sớm./.