Cuộc đua vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng năm 2012 đã bước vào giai đoạn quyết định sau vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa Tổng thống Barack Obama) và cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney tại Florida ngày 22/10 vừa qua.

Hai ứng viên đang gấp rút tìm kiếm lá phiếu quan trọng của các cử tri còn do dự khi 3 vòng tranh luận chưa mang lại ưu thế rõ rệt nào cho bất cứ người nào.

 

bau%20cu%20my.jpg
2 ứng viên Obama và Romney (ảnh: Telegraph)

3 vòng tranh luận trực tiếp đầy kịch tính giữa 2 ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã khép lại với chiến thắng nghiêng về Tổng thống Obama, dựa trên các cuộc thăm dò dư luận và ý kiến của giới phân tích. Có thể tổng kết một cách hình ảnh về các cuộc tranh luận tay đôi kéo dài từ ngày 6 đến 22/10 như sau: Tổng thống Obama đã “ngủ quên” trong cuộc tranh luận thứ nhất để rồi thảm bại dưới tay ứng cử viên Romney, “tỉnh giấc” để đánh bại đối thủ trong lần khẩu chiến thứ 2, và áp đảo cựu Thống đốc Massachusetts trong vòng tranh luận cuối cùng bằng cái “uy” của Tổng thống đương nhiệm.

Trong vòng tranh luận thứ nhất tại Denver (bang Colorado), Tổng thống Obama, sau khi bỏ xa ứng cử viên Romney trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, quyết định sử dụng chiến thuật phòng thủ nhằm mục đích bảo vệ lợi thế trong cuộc đua. Nhưng ông lại bị đối thủ đẩy vào thế bị động và thất bại gần như toàn diện cả về phong cách lẫn trong tranh biện.

Chiến thuật này lại được ông Romney áp dụng trong 2 cuộc tranh luận cuối cùng và kết quả là ứng cử viên Đảng cộng hòa bị dẫn ngược dù những gì diễn ra cho thấy ông không quá lép vế trước Tổng thống Obama. Thái độ điềm tĩnh, có phần nhũn nhặn trong cuộc tranh luận thứ 3 là một động thái đã được tính toán kỹ lưỡng của ông Romney khi ông này đang cố gắng xóa đi hình ảnh về một ứng cử viên hiếu chiến, bảo thủ và khó gần trong con mắt nhiều cử tri Mỹ.

Ông Romney không ít lần nhắc tới từ “hòa bình” và còn “xuống nước” bằng cách thể hiện sự đồng tình với quan điểm của Tổng thống Obama trong rất nhiều vấn đề quốc tế nhạy cảm như không can thiệp quân sự vào Syria hay đảm bảo thời hạn rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2014.

Thế nhưng nghịch lý ở chỗ dù là kẻ yếu thế hơn nhưng ông Romney vẫn không hề thua kém Tổng thống Obama và thậm chí còn vượt lên dẫn điểm tại một số bang quan trọng. Yếu tố có thể lý giải cho sự bất hợp lý này chính là vấn đề kinh tế, mối quan tâm số một của cử tri Mỹ trong mùa bầu cử năm nay. Phần lớn người dân Mỹ tin rằng nền kinh tế Mỹ đang đi chệch quỹ đạo dưới thời Obama và họ cần một hướng đi mới. Về điểm này thì ông Romney đang nắm lợi thế khi sở hữu bản lý lịch hoàn hảo của một doanh nhân thành đạt, trong khi chính sách đối ngoại, ưu thế lớn nhất của Tổng thống Obama, lại trở thành vấn đề thứ yếu đối với cử tri, những người hàng ngày còn đang mải bận tâm tới chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử năm nay sẽ không được quyết định bằng những gì đang diễn ra tại Libya hay Iran mà chính là việc ứng cử viên nào có khả năng phục hồi nền kinh tế đang ốm yếu với 23 triệu người thất nghiệp hiện nay. Do vậy, chiến thắng của Tổng thống Obama trong 2 cuộc tranh luận cuối cùng không có nghĩa là cuộc đua đã ngã ngũ.

Ngay sau buổi tranh luận thứ 3, 2 ứng cử viên lập tức lao vào cuộc “Thập tự chinh” nhằm tìm kiếm lá phiếu mang tính quyết định của cử tri ở các bang đang do dự. Trong 2 tuần tới, các bên sẽ đổ rất nhiều tiền bạc và công sức để thuyết phục cho được những cử tri còn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Tổng thống Obama sẽ có chuyến “thuyết khách” tại các bang: Ohio, Florida, Virginia, Iowa, Coloradio và Nevada, trong khi chiến dịch vận động của ứng cử viên Romney cũng sẽ nhắm vào Nevada, Colorado, Iowa và Ohio.

Theo các cố vấn của phe Dân chủ, Tổng thống Obama sẽ phải chứng tỏ những điểm khác biệt của ông so với ứng cử viên Romney trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, đối ngoại cho đến xã hội. Kết quả thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos cho thấy 59% cử tri bỏ phiếu sớm chọn Tổng thống đương nhiệm so với 31% dành cho ứng cử viên Romney.

Trong khi đó, ứng cử viên Romney phải khẳng định được ông là người xứng đáng thay thế Tổng thống Obama, cũng như có khả năng đưa kinh tế Mỹ cất cánh trở lại. Ông Romney dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về kinh tế, tình hình nợ công và chi tiêu của chính phủ Mỹ trước cử tri một số bang. Sự chú ý đặc biệt của ông Romney sẽ dành cho Ohio, bang “sống còn” với cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng hiện vẫn bất bình với việc ông này phản đối kế hoạch giải cứu của chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô, nguồn việc làm chủ yếu của cư dân địa phương./.