Ngày 7/1, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep lại dẫn đầu cuộc biểu tình tuần hành trên một số tuyến phố của Thủ đô Bangkok để kêu gọi người dân tham gia cuộc đại biểu tình "làm tê liệt Bangkok" vào ngày 13/1 tới.
Đáng chú ý, trong phát biểu đêm 6/1, ông Suthep còn tuyên bố, nếu cuộc biểu tình này lật đổ được "chế độ Thaksin", ông Suthep sẽ ra lệnh tịch thu tài sản của Thủ tướng Thái Lan tạm quyền Yingluck Shinawatra và các thành viên Chính phủ tạm quyền của nước này.
Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep (áo trắng ngồi sau xe máy) tuyên bố, sẽ ra lệnh tích thu tài sản của bà Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters) |
Theo nhận định của một số học giả Thái Lan, phe đối lập và ban lãnh đạo biểu tình đang tìm mọi cách để làm gia tăng bất ổn chính trị; trong đó tập trung chống phá, ngăn cản tiến trình bầu cử Hạ viện; dùng biểu tình đường phố để gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền từ chức.
Đặc biệt, cuộc đại biểu tình "làm tê liệt Bangkok" từ ngày 13/1 tới có thể xảy ra đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát hoặc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình chống Chính phủ và những người dân ủng hộ Chính phủ. Thiệt hại về kinh tế, xã hội do cuộc đại biểu tình này sẽ còn lớn hơn nhiều so với cuộc biểu tình chiếm giữ sân bay quốc tế Suwanabhumi hồi cuối năm 2008.
Đa số dư luận chính giới và xã hội Thái Lan lo ngại rằng: Nếu những diễn biến bất ổn chính trị nêu trên tiếp tục gia tăng, trong khi phe Chính phủ và phe đối lập không tìm được một giải pháp chính trị thỏa hiệp, thì nguy cơ xảy ra đảo chính cũng sẽ tăng lên từng ngày.
Bất chấp việc giới chỉ huy Quân đội tuyên bố bác bỏ khả năng đảo chính, dư luận Thái Lan vẫn đang theo dõi sát những động thái chuyển quân và phương tiện quân sự của Quân đội vào Thủ đô Bangkok. Đồng thời, một số nhà phân tích Thái Lan cho rằng, đây có thể là "tín hiệu cảnh báo sớm" về một cuộc đảo chính, như đã từng xảy ra ở nước này hồi tháng 9/2006./.