Báo news.com.au của Australia viết: "Việt Nam đã rất nhanh chóng đóng góp các nguồn lực cho nỗ lực tìm kiếm và còn nhanh hơn trong việc công khai các diễn biến mới nhất. Họ đã đưa tin về mọi thứ, từ các dữ liệu radar tới các vết dầu loang và các vật thể nổi trên biển”.

Ngày 13/3, nhà báo và nhà làm phim Malaysia Jules Rahman đang đưa tin về vụ máy bay mất tích ở Sepang chia sẻ với PV Tuổi Trẻ: “Trong khó khăn, chúng tôi rất hạnh phúc trước việc Việt Nam tham gia tìm kiếm cứu hộ tích cực. Chúng tôi đánh giá cao hành động này, vì trên chuyến bay mất tích không có hành khách Việt Nam nào”.

phuquoc2.jpg
Khoảng 80 phóng viên quốc tế đã đến Phú Quốc đưa tin về vụ tìm kiếm (Ảnh: Lam Hiếu)

Nữ phóng viên Sarah từ Hãng thông tấn News của Malaysia bày tỏ: “Hôm qua chúng tôi nghe thông tin rằng Việt Nam ngừng tìm kiếm chiếc máy bay nhưng sự thật không phải thế, hôm nay các bạn vẫn tiến hành tìm kiếm trên biển và trên đất liền. Tôi cho rằng các nước ASEAN là một cộng đồng chung gắn bó và sự giúp đỡ của Việt Nam cùng các láng giềng khác hiện nay rất tốt đẹp”.

Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein chiều 12/3 bày tỏ lời cảm ơn Việt Nam đã nỗ lực trong việc tìm kiếm máy bay mất tích.

Trong thông cáo chính thức, ông Hishammuddin Hussein cho biết: “Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam. Theo những gì tôi biết, đây là một sự hợp tác tốt. Chúng tôi cũng đề nghị Việt Nam cho phép máy bay của Malaysia vào tìm kiếm trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam đã phản hồi tích cực với yêu cầu này. Việt Nam yêu cầu có công hàm và Bộ Ngoại giao Malaysia đã gửi công hàm đến phía Việt Nam”.

Báo chí Malaysia những ngày qua cũng đăng tải rất nhiều thông tin và hình ảnh về đợt hoạt động tìm kiếm đầy nỗ lực của Việt Nam.

Nếu trong những ngày đầu của cuộc tìm kiếm chỉ có vài chục phóng viên các nước, thì đến nay đã có gần 100 phóng viên.

Theo Sở chỉ huy tiền phương, hiện tại địa điểm này có khoảng 120 phóng viên trong và ngoài nước đến tác nghiệp, chủ yếu là phóng viên các nước với khoảng 80 người. Trong số này có rất nhiều phóng viên của các hãng truyền hình và thông tấn nổi tiếng thế giới như BBC, CNN, Reuters, Tân Hoa xã…

Trong số này đông nhất vẫn là các phóng viên thuộc 10 cơ quan báo và đài truyền hình của Trung Quốc, kế đến là Malaysia.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một số phóng viên Trung Quốc cho biết họ được tạo điều kiện về nơi tác nghiệp và tiếp cận thông tin khá tốt với hai cuộc họp báo/ngày, tuy nhiên khi đại diện cơ quan chức năng Việt Nam phát biểu tại mỗi cuộc họp báo mà không có phiên dịch, các phóng viên phải thông qua phiên dịch riêng của mình nên có đôi chút khó khăn, đặc biệt do mỗi phiên dịch hiểu khác nhau nên thông tin đưa ra giữa các báo, đài của họ thường không thống nhất./.