Bạo lực đang gia tăng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội tại Pakistan dự kiến diễn ra vào ngày 11/5 tới. Hàng loạt các vụ tấn công diễn ra trên khắp đất nước, chủ yếu nhằm vào các chính trị gia và đảng phái chính trị.

Pakistan đang huy động số lượng lớn lực lượng an ninh nhằm đảm bảo cuộc tổng tuyển cử diễn ra suôn sẻ.

bao-luc1.jpg
Nạn nhân do bạo lực tại Pakistan vẫn tăng (Ảnh: AP)

Cảnh sát Pakistan ngày 3/5 cho biết, ứng cử viên chạy đua vào Quốc hội Saddiq Zaman Khattak đã bị bắn chết cùng với con trai ba tuổi của ông tại thành phố Karachi miền nam nước này. Đây là ứng cử viên Nghị sĩ Quốc hội đầu tiên bị sát hại trong chiến dịch tranh cử cử của Pakistan.

Cũng trong ngày 3/5, Trưởng công tố Chaudhry Zulfikar, người truy tố cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf, đã bị bắn chết tại thủ đô Islamabad.

Trước đó, hàng loạt các vụ tấn công diễn ra nhằm vào ứng cử viên cũng như các địa điểm tranh cử, làm nhiều dân thường thương vong. Hiện chưa có tổ chức nào đứng lên nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, song nhiều khả năng liên quan đến nhóm phiến quân Taliban.

Nhóm này đã phá hoại chiến dịch tổng tuyển cử bằng những lời đe dọa và các vụ tấn công làm gần 100 người thiệt mạng kể từ ngày 11/4. Trong bối cảnh các chính trị gia và đảng phái chính trị liên tục là đích ngắm trong các vụ ám sát, ba trong tổng số điểm bầu cử của Pakistan dự kiến diễn ra vào ngày 11/5 tới sẽ phải hoãn lại.

Tình hình bạo lực gia tăng tại Pakistan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell lên án các vụ bạo lực trước thềm bầu cử ở Pakistan, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ  không ủng hộ bất cứ ứng cử viên hay đảng phái chính trị đặc biệt nào.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói:“Mỹ lên án tất cả các vụ bạo lực gần đây nhằm vào các chính trị gia cũng như những người ủng hộ trong chiến dịch bầu cử tại Pakistan. Chúng tôi cũng lên án các tuyên bố của những nhóm vũ trang về ý định ngăn cản cuộc bầu cử. Chúng tôi ủng hộ quyền của người Pakistan tham dự vào một cuộc bầu cử với tinh thần và nguyện vọng giúp mang lại một đất nước hòa bình, dân chủ và thịnh vượng”.

Để đảm bảo an ninh tại Pakistan, giới chức nước này cho biết sẽ triển khai hơn 600.000 nhân viên an ninh. Ủy ban bầu cử Pakistan đã thành lập hơn 73 nghìn điểm bỏ phiếu, trong đó có 20 nghìn điểm được coi là “nhạy cảm hoặc rất nhạy cảm”. Mỗi điểm bầu cử thông thường sẽ được bố trí 5 nhân viên an ninh, trong khi các điểm bầu cử “nhạy cảm và rất nhạy cảm” được bố trí từ 7 đến 10 nhân viên an ninh. 

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Pakistan Arif Ni-za-mi cho biết: “ Chúng tôi đưa ra mọi biện pháp cần thiết và ngay lập tức để đối phó với tình hình an ninh đang ngày càng bất ổn hiện nay. Chúng tôi cũng đưa ra các biện pháp giúp đảm bảo an toàn cho các đảng phái chính trị, các ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử”.

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Pakistan sẽ đánh dấu lần đầu tiên một Chính phủ dân sự hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm, tại một đất nước mà trước đó phần lớn đều do chính quyền quân sự  lãnh  đạo. Giới phân tích nhận định, trong cuộc bầu cử sắp tới rất nhiều khả năng diễn ra sự thay đổi quyền lực và kết quả này có thể ảnh hưởng tới chiến dịch chống khủng bố của Mỹ ở khu vực./.