Libya vừa đưa ra cảnh báo về một thảm họa đối với người nhập cư ở thành phố Misrata vì thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng để chăm sóc cho những người từ khắp châu Phi đổ về đây cư trú trước khi vượt biển sang châu Âu.

Ông Mohammad Baqqar - Người đứng đầu Cơ quan chống di cư bất hợp pháp tại Misrata cho biết, hàng trăm người di cư hiện đang sống ở một trung tâm giành cho người nhập cư ở thành phố ven biển này trong điều kiện sống nghèo nàn: "Không có chăm sóc y tế tại trung tâm này. Hầu như không có viện trợ của chính phủ Libya hoặc từ các cơ quan viện trợ quốc tế. Ở đây cũng không có đội ngũ y tế chuyên khoa”. 

Ông Baqqar cũng cho biết, trung tâm này hiện đang thiếu chi phí để hoạt động. Do vậy, cứ khoảng 100 người được xếp ở trong 8 phòng và chung nhau 10 nhà vệ sinh: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào trong vòng ba tháng qua và số lượng người nhập cư bất hợp pháp ngày càng tăng. Nếu chúng tôi ngừng làm việc và trung tâm này bị đóng cửa thì đó sẽ là một thảm họa”.

Bất chấp điều kiện sống tồi tệ, nhưng một số người di cư ở trung tâm giành cho người nhập cư cho biết, họ thích ở lại hơn là trở về đất nước của họ. Một người nhập cư trái phép nói: "Tôi không muốn trở về quê hương của tôi. Tại đất nước chúng tôi nạn đói và xung đột đang hoành hành. Nếu họ gửi chúng tôi về đất nước thì chúng tôi sẽ bị tống giam sau đó bị đưa đi chiến đấu tại các chiến trường. Tôi không muốn quay trở về, chúng tôi muốn đến châu Âu. Tất cả chúng tôi ở đây đều muốn thế”.

Một phụ nữ người Somalia nói rằng, nếu trung tâm này trả họ về nhà thì họ sẽ tìm đường quay trở lại Libya: "Nếu họ gửi tôi về Somalia thì chúng tôi sẽ tìm cách quay trở lại đây cho đến khi chúng tôi đến được nơi mà chúng tôi mong muốn. Chúng tôi mệt mỏi vì cuộc chiến tại Somalia. Tôi sẽ không quay trở lại đó. Nếu các nhà chức trách cho chúng tôi ở lại Libya thì chúng tôi sẽ ở lại đây và làm việc. Chúng tôi đi bất cứ nơi nào cũng được ngoại trừ Somalia”.

An ninh lỏng lẻo tại Libya khiến nước này trở thành mảnh đất cho những kẻ buôn người  hay  những người chạy trốn khỏi chiến tranh loạn lạc đến đây trú ngụ trước khi tìm cách vượt biển sang châu Âu.

Theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, năm ngoái, có ít nhất 210.000 người di cư và người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi vượt biên qua vùng biển Địa Trung Hải do tình hình an ninh đang ngày càng xấu đi tại một số nước như Syria, Somalia và một số khu vực khác. Hơn 3.500 người trong số đó đã bị chết sau khi tàu của họ gặp nạn và bị chìm ngoài khơi./.