Ngày 5/11, Bangladesh đã mở một tòa án đặc biệt xét xử tập thể những phần tử nổi loạn có liên quan tới cuộc binh biến đẫm máu tại biên giới nước này năm 2009.

Trong số những người bị xét xử tại phiên tòa đặc biệt này, 152 kẻ phản loạn đã bị tuyên án tử hình, 159 kẻ bị kết án chung thân, một số bị kết án từ 3 đến 10 năm tù.  Khoảng 277 người được tha bổng.

Ngày 25/2/2009, một cuộc nổi dậy của quân lính đã nổ ra và kéo dài khoảng 30 giờ đồng hồ do bất đồng về tiền lương và một số bất bình khác với cấp trên khiến 74 người thiệt mạng, trong đó 54 người là sỹ quan.

Một số người bị kết án cho rằng họ không liên quan gì đến cuộc nổi dậy (Ảnh Reuters)

Các sỹ quan cấp cao đã bị giết, sau đó thi thể của họ bị cho xuống cống và chôn tập thể.

Khoảng 800 binh sỹ đã bị giam giữ tại các tòa án dân sự của Bangladesh trong cuộc binh biến.

Cuộc nổi loạn bắt đầu từ Dhaka sau lan tới các căn cứ khác trên khắp đất nước. Các tòa án quân sự cũng đã bỏ tù gần 6.000 binh sỹ, mức án tối đa cho họ là 7 năm. Trong khi đó, những tòa án dân sự có thể tuyên các mức án nặng hơn và có thể tử hình.

Thân nhân của những người bị kết án sững sờ khi nghe tin tòa tuyên án (Ảnh Reuters)

Thẩm phán Mohammad Akhtaruzzaman đã nói tại phiên tòa rằng: “Các tội ác này quá ghê tởm, thi thể các nạn nhân cũng bị xâm phạm”.

Tuy nhiên, thẩm phán cũng cho biết, những người lính cũng cần có sự đãi ngộ và tiền lương cao hơn vì có thể họ không có đủ khả năng để gửi con em tới các trường quân sự trong nước.

Một số người bị kết án đã tỏ ra phẫn nộ về các bản án. Tuy nhiên, họ có quyền kháng cáo. Các công tố viên cũng cho biết, họ cũng sẽ kháng cáo đối với các trường hợp được tha bổng.

Phiên tòa này là một trong những phiên tòa xử án lớn nhất trong lịch sử của Bangladesh./.