Ngày 3/10, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, sẽ cho Bangladesh vay 500 triệu USD để thực hiện các chương trình cải cách giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu của nước này về nguồn nhân công lành nghề và có trình độ công nghệ. Khoản vay được giải ngân thành 4 đợt trong vòng 10 năm.

Số liệu mới đây cho thấy, chỉ 37% trẻ em trong các gia đình nghèo theo học trung học, trong khi tỷ lệ này ở các gia đình khá giả hơn là 59%. Nhiều trẻ em bỏ học khi chưa học hết trung học. Đó cũng là lý do khiến cho nguồn nhân công của Bangladesh có trình độ thấp.

bangladesh-education-2009-3_copy.jpg
Khoản vay của Ngân hàng phát triển châu Á sẽ được sử dụng để mua các trang thiết mới, xây dựng thư viện, lớp học, đào tạo giáo viên - Ảnh minh họa (AP)

Chương trình cải cách giáo dục trung học dự kiến sẽ giúp tăng thêm khoảng 3,5 triệu học sinh từ nay đến năm 2023. Để thực hiện được điều này Bangladesh cần phải có thêm 145.000 giáo viên và thêm 100.000 trường học.

Khoản vay của Ngân hàng phát triển châu Á sẽ được sử dụng để mua các trang thiết mới, xây dựng thư viện, lớp học, đào tạo giáo viên và tăng cường công nghệ thông tin trong trường học, trong đó có cả các trường Hồi giáo. Đợt giải ngân đầu tiên trị giá 90 triệu USD sẽ hỗ trợ chương trình cải cách giai đoạn 2014-2017.

Tại Bangladesh, giáo dục là lĩnh vực được nhận hỗ trợ nhiều nhất từ Ngân hàng phát triển châu Á. Tính đến cuối năm 2012, Ngân hàng này đã cho Bangladesh vay gần 1,3 tỷ USD trong các dự án giáo dục./.