Ngày 4/10, kết thúc các cuộc phỏng vấn, thảo luận và bỏ phiếu, Hội đồng chấp hành UNESCO - cơ quan quyền lực quyết định nhiều vấn đề quan trọng của UNESCO gồm 58 thành viên, trong đó có Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2013, đã thống nhất tái đề cử bà Irina Bokova là ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ tới.
Bà Irina Bokova phát biểu tại trụ sở UNESCO ở Paris sau khi được tái đề cử làm Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2 ngày 4/10 (Ảnh: AFP) |
Có 3 ứng cử viên được đưa ra xem xét tại Hội đồng chấp hành UNESCO lần này là đương kim Tổng Giám đốc Irina Bokova, Đại sứ Djibouti tại Pháp - ông Rachad Farah và Giáo sư Đại học Joseph Maila mang hai quốc tịch Lebanon và Pháp.
Sau các vòng phỏng vấn, thảo luận, ngày 4/10, Hội đồng chấp hành UNESCO gồm đại diện 58 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã bỏ phiếu và kết quả bà Irina Bokova được 39/58 phiếu; ông Rachad Farah 13 phiếu và ông Maila 6 phiếu. Với kết quả này, bà Irina Bokova sẽ được Hội đồng chấp hành đề cử lên Đại Hội đồng UNESCO họp vào đầu tháng 11 tới và nhiều khả năng sẽ được Đại Hội đồng thông qua làm Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ tiếp theo.
Đánh giá về kết quả bỏ phiếu, Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO, nhấn mạnh, ngay từ đầu, bà Bokova là ứng cử viên nhiều triển vọng nhất nhưng kết quả vẫn bất ngờ khi số phiếu ủng hộ bà rất cao ngay từ vòng đầu.
Giải thích về sự ủng hộ cao dành cho bà Bokova, Đại sứ Dương Văn Quảng phân tích: “Trong lịch sử tồn tại của UNESCO, tất cả các Tổng Giám đốc nếu sau nhiệm kỳ thứ nhất ra tranh cử thì đều được tái bổ nhiệm lại. Thứ hai, nhiệm kỳ thứ nhất của bà Bokova rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn khi UNESCO kết nạp Palestine là thành viên chính thức thì Mỹ đã ngưng tất cả đóng góp tài chính cho UNESCO khiến ngân sách UNESCO thâm hụt đến 33%. Trong khó khăn như thế, bà Bokova vẫn duy trì được tất cả các chương trình đã được thông qua của UNESCO. Và bà đã kêu gọi mở ra quỹ khẩn cấp thu được tới 76 triệu bù vào ngân sách UNESCO 2012-2013. Một điều nữa là trong 4 năm vừa rồi bà đã tiến hành cải tổ UNESCO và người ta thấy rằng tiến trình cải tổ chưa xong và đa số thành viên Hội đồng chấp hành tin tưởng giao trọng trách cho bà để tiếp tục cải tổ UNESCO để phù hợp với tình hình thế giới mới hiện nay”.
Ngoài ra, cũng theo Đại sứ Dương Văn Quảng, bà Irina Bokova - nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNESCO được nhóm bầu cử thứ 2 là nhóm các nước Đông Âu nhất trí giới thiệu cộng thêm những nước có vai trò lớn trong quan hệ quốc tế nói chung và tại UNESCO nói riêng ủng hộ./.