Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova chính thức nhậm chức từ giữa tháng 11/2009, song đến nay, bộ máy lãnh đạo mới, gồm các Phó Tổng giám đốc mới được bầu chọn. Đó là một bộ máy lãnh đạo mới, đầy năng lực, hoạt động mạnh mẽ,  gắn bó chặt chẽ và năng động.

Trước hết phải kể tới Phó Tổng giám đốc Getachew Engida - phụ trách về việc kiểm soát tài chính. Ông là người mang quốc tịch Ethiopia, là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài chính quốc tế, người đã từng tham gia quản lý các dự án lớn của một số công ty tài chính quốc tế, đồng thời đã từng làm việc tại Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp. Ông Engida tham gia UNESCO từ năm 2004.

Tiếp đến là Phó Tổng giám đốc phụ trách về giáo dục Qian Tang, quốc tịch Trung Quốc. Ông là chuyên gia giáo dục về kỹ thuật, đã từng là giáo viên và phụ trách về giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Đặc biệt, ông còn tham gia công tác giảng dạy tại Trung tâm quốc tế về dạy nghề của UNESCO tại thành phố Born (Đức). Hơn nữa, thời gian qua, trong khuôn khổ Chương trình giáo dục cho mọi người, ông còn là người tích cực thúc đẩy việc hợp tác giáo dục giữa các nước đang phát triển.

Phó Tổng Giám đốc mới của UNESCO phụ trách về khoa học chính xác và khoa học tự nhiên là bà Gretchen Kalonji, quốc tịch Mỹ. Hiện nay bà đang là Giám đốc Hệ thống Nghiên cứu phát triển quốc tế Systemwide (thuộc Đại học California), là chuyên gia quốc tế về khoa học vật liệu và chuyển giao giáo dục. Bà cũng đã từng làm việc tại nhiều trường đại học ở Châu Phi. Đặc biệt bà Kalonji có đóng góp đáng kể trong việc phát triển dự án hợp tác giáo dục và vệ sinh dịch tễ giữa các nước Đông Phi và đại học California.

unesco.jpg

Trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp)

Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của UNESCO là bà Maria del Pilar Alvarez Laso, người Mexico. Bà là chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu khoa học xã hội. Bà Laso hiện là Điều phối dự án tại Viện Latin về truyền thông giáo dục ở Mexico.

Phụ trách lĩnh vực văn hóa của UNESCO sẽ là Phó Tổng giám đốc Francesco Bandarin, người Italy. Hiện ông là giám đốc Trung tâm di sản của UNESCO (từ năm 2000). Ông Bandarin là chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đô thị, trước đây đã từng làm việc trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc tại một số nước đang phát triển. Thời gian qua, ông Bandarin đã nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới hợp tác về bảo tồn di sản.

Lĩnh vực truyền thông và thông tin của UNESCO sẽ do Phó Tổng giám đốc người Latvia Janis Karklins đảm nhiệm. Ông hiện nay là Đại sứ Latvia tại Pháp và là Trưởng phát đoàn thường trực của Latvia bên cạnh UNESCO, đồng thời còn là chuyên gia về công nghiệp và Iternet. Lĩnh vực mà ông có nhiều đóng góp trong thời gian qua là xã hội hóa thông tin.

Ông Eric Falt, người Pháp, được đề cử giữ vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách về quan hệ đối ngoại và hợp tác của UNESCO. Ông hiện là giám đốc Ban  thông tin của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đồng thời đã từng làm việc cho Liên Hợp Quốc tại Haiti, Pakistan, Kenya.

Phó Tổng Giám đốc về hành chính của UNESCO sẽ là bà Khadija Ribes, người Tunisia. Hiện bà đang là Tổng giám đốc về phát triển, hành chính và dịch vụ công thuộc Văn phòng Thủ tướng Tunisia. Đây là nhân vật quan trọng trong các kế hoạch cải cách hành chính của Tunisia, người đã tích cực đưa vào ứng dụng các công nghệ tin học và truyền thông trong hoạt động, quản lý hành chính.

Cuối cùng là vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách về châu Phi thuộc về bà Lalla Aicha Ben Barka, người Mali. Bà đang là Phó Thư ký điều hành về châu Phi của Uỷ ban kinh tế của Liên Hợp Quốc, đồng thời bà đã từng phụ trách văn phòng giáo dục khu vực châu Phi của UNESCO, với nhiều đóng góp cho việc phát triển hệ thống giáo dục tại 12 nước Tây Phi.

Bộ máy lãnh đạo mới của UNESCO sẽ chính thức bắt đầu công việc điều hành từ ngày 1/7 tới./.