Ông Tangguh Chairil - chuyên gia về các vấn đề an ninh từ Đại học Binus, Jakarta (Indonesia) nhận định, mặc dù Mỹ, Anh, Australia không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc trong tuyên bố thành lập AUKUS, song thực chất AUKUS không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng sức mạnh và sự hiện diện trên các đại dương, với việc tăng cường lực lượng tên lửa tầm xa, gia tăng số lượng máy bay ném bom và hiện đại hóa hải quân. Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một số nước là đồng minh, đối tác của Mỹ. Đây là những lý do khiến Mỹ theo đuổi chiến lược ngăn chặn Trung Quốc giành quá nhiều quyền lực trong khu vực, cũng như đe dọa tới các đồng minh, đối tác của Mỹ.

Trước khi AUKUS ra đời, Mỹ cũng đã thúc đẩy nhóm Bộ Tứ (QUAD) gồm 4 nước Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản với cùng mục đích kiềm chế Trung Quốc. Với việc Mỹ lập thêm một liên minh như AUKUS, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc sẽ gia tăng.

Theo ông Tangguh Chairil, Indonesia có thể “mắc kẹt” trong các cuộc xung đột tiềm tàng giữa các cường quốc, nhất là trên Biển Đông khi "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự vẽ ra chồng lấn với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở biển Natuna. Do vậy, sự kiện AUKUS cảnh báo Indonesia cần có các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng để nâng cao năng lực phòng thủ, chiến đấu; sẵn sàng cho các kịch bản tồi tệ nhất khi hòa bình và ổn định của khu vực bị đe dọa.

Cùng quan điểm, chuyên gia Felix K. Chang từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ bày tỏ lo ngại việc lực lượng quốc phòng Indonesia chưa đủ mạnh để bảo vệ nước này khi xung đột xảy ra. Thực tế Hải quân Indonesia mới có 4 tàu ngầm, 7 tàu khu trục, 24 tàu hộ tống và một số tàu tuần tra nhỏ; trong khi Không quân chỉ có 49 máy bay chiến đấu, cũng như một số máy bay huấn luyện, tấn công hạng nhẹ. Nhiều loại vũ khí đã được đưa vào sử dụng từ 3 thập kỷ trước, với khả năng tương tác thấp.

Nhà phân tích chính trị Johannes Nugroho từ Surabaya, Indonesia cho rằng AUKUS có thể tác động tới hoạt động mua sắm quốc phòng của Indonesia. Trong một thời gian dài, Indonesia từng cân nhắc mua các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto chuyển sang quan tâm hơn đến máy bay F-35 của Mỹ và máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Với sự hình thành AUKUS và việc không muốn bị đẩy vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, giờ đây Indonesia nhiều khả năng sẽ không mua máy bay của Mỹ cũng như của Trung Quốc. Điều này tạo lợi thế cho Pháp trong việc bán máy bay chiến đấu cho Indonesia, trừ khi có một nhà cung cấp mới xuất hiện./.