Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch sinh thái ASEAN lần thứ nhất, chiều 22/6, tại huyện Pakse- tỉnh Champasak- nam Lào, Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng du lịch ASEAN đã thông qua Tuyên bố Pakse.

Đây là một văn kiện phản ánh mong muốn chung nhằm phát triển và hợp nhất các khu vực du lịch sinh thái trong khu vực ASEAN để tận dụng khả năng và nguồn lực của các đối tác ASEAN nhằm mang lại sự chuyển biến trong kinh doanh bền vững và tạo việc làm phù hợp với chủ đề của ASEAN 2016, đó là “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”. 

asean_tang_cuong_hop_tac_du_lich_sinh_thai_copy_hxvb.jpg
Chú thích ảnhHội nghị bàn tròn Bộ trưởng du lịch ASEAN đã thông qua Tuyên bố Pakse.

Tại Diễn đàn, các Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách về du lịch của 10 nước thành viên ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất liên quan đến du lịch được đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Lào trong năm 2016 và đánh giá cao sáng kiến của Lào tổ chức Diễn đàn Du lịch Sinh thái ASEAN nhằm tạo cơ hội cho khu vực công và tư trong cộng đồng du lịch ASEAN hình thành mạng lưới, chia sẻ và nghiên cứu các kế hoạch nhằm phát triển và giúp khu vực trở nên thịnh vượng hơn.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của một ASEAN được điều phối theo lộ trình xác định, lên kế hoạch và phát triển một cách chiến lược mạng lưới liên kết các điểm du lịch sinh thái với các tuyến đường bộ và đường thủy.

Theo đó, các cụm du lịch sinh thái và hành lang du lịch sẽ được phát triển xuyên qua các quốc gia thành viên của ASEAN, vượt qua biên giới của địa lý và biên giới của thiên nhiên hoang dã, tạo điều kiện cho khách du lịch được vào sâu các vùng nông thôn và các khu dự trữ thiên nhiên để trải nghiệm các giá trị tinh túy của du lịch sinh thái ASEAN.

Các Bộ trưởng đánh giá cao sự phát triển có tầm nhìn nói trên, khẳng định điều này sẽ mở ra những cơ hội phát triển kinh tế trên những tuyến đường bộ và đường biển, coi đây là một sáng kiến về kinh tế xã hội quan trọng nhằm tạo việc làm và phát triển cộng đồng, hồi sinh những nguồn tài nguyên thiên nhiên và đem lại sư thay đổi về chất cho những vùng thôn nghèo.

Các Bộ trưởng đã thông qua “Tuyên bố Pakse về Lộ trình ASEAN phát triển chiến lược các cụm du lịch sinh thái và hành lang du lịch’’, trong đó nhấn mạnh tới việc tìm kiếm một lộ trình hợp tác trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, đem lại lợi ích kinh tế cho khu vực nông thôn cũng như người dân địa phương, đồng thời với việc phát triển mạng lưới du lịch sinh thái tiểu vùng; Nhất trí trình Tuyên bố này lên các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào vào tháng 9 tới.

Các Bộ trưởng cũng đề nghị các Cơ quan phụ trách du lịch ASEAN cùng bắt tay vào việc phát triển Lộ trình này với các đối tác của ASEAN bao gồm các tổ chức quốc tế, các trung tâm ASEAN tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực tư nhân…

Tại Diễn đàn này, đoàn Việt Nam do bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Trưởng đoàn đã có những đóng góp tích cực; đề xuất ASEAN tận dụng tối đa website du lịch sẵn có của mình để tăng cường các thông tin và đường dẫn đáp ứng nhu cầu tra cứu và tham khảo về du lịch sinh thái của ASEAN; đề nghị các nhóm công tác về du lịch của ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò điều phối và thúc đẩy hợp tác trong khu vực nhằm triển khai Kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Tuyên bố Pakse nói riêng và phát triển du lịch sinh thái ASEAN nói chung.

Với vai trò là một quốc gia thành viên tích cực trong hợp tác du lịch ASEAN, Việt Nam luôn chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm, điều này đã được thể hiện rõ trong Luật du lịch cũng như các chính sách về du lịch có liên quan. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 trong đó xác định một trong 5 quan điểm chính để phát triển du lịch là “Phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”./.