Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, sau hơn một năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, mục tiêu đứng thứ 5 khu vực ASEAN không phải “sẽ nằm trong tầm tay” mà thực chất “đã nằm trong tầm tay”.

t2_xgis.jpg
Toàn cảnh Nhà ga hành khách T2 CHK quốc tế Nội Bài khánh thành đưa vào khai thác tháng 1/2015 - (Ảnh: Ngô Vinh)

Thị trường vận tải hành khách tăng “chóng mặt”

Thưa Thứ trưởng, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra tại Đề án Tái cơ cấu vận tải hàng không đến năm 2020 là tăng tỷ trọng vận tải hàng không trong cơ cấu chung của ngành GTVT, đặc biệt trên các hành trình đường dài, quốc tế. Đến thời điểm này, mục tiêu trên đã được thực hiện như thế nào?

Cần phải nói rằng đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đê án Tái cơ cấu vận tải hàng không Cụ thể, đến năm 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành GTVT; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%.

Thực tế, trong năm 2015, thị trường hành khách đạt 40,5 triệu khách, tăng 22,2% so với năm 2014, trong đó thị trường nội địa đạt 22,5 triệu khách, tăng 28,3% so năm 2014. Thị trường hàng hóa đạt 792 nghìn tấn, tăng 7% so với năm 2014. Thị phần hành khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đạt 48,1%.

Mặc dù chưa có số liệu cụ thể của các loại hình vận tải khác, tuy nhiên với mức độ tăng trưởng của thị trường hành khách nội địa ở mức 28,3% năm 2015 và 32,4% của 5 tháng đầu năm 2016, tôi có thể khẳng định mục tiêu tăng tỷ trọng vận tải hàng không, đặc biệt là vận tải nội địa trong cơ cấu chung của ngành GTVT đã đạt được. Mục tiêu thị phần vận tải hành khách quốc tế của các hãng Việt Nam vào năm 2020 là khả thi.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật

Với tốc độ tăng trưởng như Thứ trưởng vừa đề cập, phải chăng mục tiêu thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN cũng sẽ nằm trong tầm tay?

Tôi phải nhấn mạnh, mục tiêu đứng thứ 5 khu vực ASEAN không phải “sẽ nằm trong tầm tay” mà thực chất “đã nằm trong tầm tay”. Cụ thể, năm 2015, thị trườngvận chuyển hàng không Việt Nam đạt 40,5 triệu hành khách, sau Thái Lan (ước đạt 74 triệu khách), Singapore (55,4 triệu), Indonesia (ước đạt 105 triệu khách), Malaysia (ước đạt 50 triệu khách) và đứng trên Philippines (khoảng 35 triệu khách).

Chậm, hủy chuyến tiếp tục được kiểm soát

Có một thực tế là ngoài một số cảng lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc… đa phần các cảng địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Xin Thứ trưởng cho biết, tần suất bay tới các cảng này liệu đã được cải thiện?

Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 48 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục nan từ 3 trung tâm kết hợp phát triển mạng đường bay “điểm đến điểm” các CHK địa phương.

Chúng ta đang có 7 CHK quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Huế, Cần Thơ và gần đây nhất là Cát Bi. Trong số này, có 5 CHK quốc tế có hoạt động khai thác thường lệ là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.

Riêng 5 tháng đầu năm 2016, Vietjet đã khai thác mới 8 đường bay và Jetstar Pacific đã khai thác mới 6 đường bay nội địa. Hiện tại, toàn bộ các CHK địa phương đều được khai thác thường lệ với tối thiểu 7 chuyến/tuần.

Tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến đã giảm đáng kể sau sự nỗ lực của ngành Hàng không - (Ảnh: Tạ Tôn)

Xin hỏi Thứ trưởng, về chất lượng dịch vụ, tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy hiện ở mức bao nhiêu phần trăm?

Thực tế sau rất nhiều nỗ lực, tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến đã giảm đáng kể. Thống kê cho thấy, năm 2015 tỷ lệ chậm là 15,6%, giảm 1,8 điểm và tỷ lệ hủy là 0,5%, giảm 1,5 điểm so năm 2014. 5 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ chậm là 15,1%; tỷ lệ hủy là 0,5%.

Có thể thấy, tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 đã xấp xỉ mục tiêu 12-15% chuyến bay bị chậm, hủy của Đề án.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!