Ra đời vào năm 1967 trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn, ASEAN trở thành nhân tố tập hợp, đoàn kết các nước trong khu vực để tạo tiền đề cho việc hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội. Từ 5 thành viên ban đầu là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, trong quá trình phát triển, ASEAN đã dần mở rộng và kết nạp đủ 10 quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, hoàn thành giấc mơ về một tổ chức chung cho các nước trong khu vực.
Thành công trong việc quy tụ đủ 10 quốc gia Đông Nam Á cho thấy ASEAN là cơ chế hợp tác đúng đắn, là nơi có thể dung hoà sự đa dạng, khác biệt giữa các nước thành viên dưới một mục tiêu chung đó là tạo dựng hoà bình, phát triển và thịnh vượng cho người dân Đông Nam Á.
Đoàn kết tạo nên sức mạnh để ASEAN phát triển |
Sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong suốt 45 năm qua là minh chứng cho thấy nhu cầu của các nước trong khu vực về một mái nhà chung, là nơi các nước trong khối có thể quy tụ về một mối, cùng ngồi lại để thảo luận các cơ hội hợp tác. Các kế hoạch hành động về thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác giữa các nước nằm trong tiểu vùng sông Mekong, việc xây dựng Hiến chương ASEAN hay các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 là những minh chứng cụ thể cho thấy ASEAN đã trở thành trụ cột hợp tác quan trọng trong khu vực.
Cơ chế hợp tác này đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tất cả các quốc gia thành viên. Đó là những lợi ích về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đối với một thị trường 600 triệu dân và thuộc diện năng động nhất thế giới. Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN còn mở ra cơ hội để học hỏi, trợ giúp nhau, phát huy thế mạnh và lợi thế của từng nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia thành viên cũng như của khu vực.
Không chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác thông thường, sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước ASEAN như sự phối hợp, giúp đỡ trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… còn tạo ra tình đoàn kết, mối liên hệ mang đậm giá trị nhân văn.
Trong quá trình hợp tác đó, ASEAN đã tạo ra môi trường giao lưu văn hóa, dân sự, nhờ đó, gia tăng sự hiểu biết, liên kết tình thân, tạo cơ sở bền vững cho việc tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa công dân các nước thành viên. Đây là những nền tảng quan trọng đối với nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Giá trị của sự đoàn kết để tạo thành một tiếng nói thống nhất còn giúp ASEAN trở thành một thực thể trong quan hệ hợp tác quốc tế. Trong những năm gần đây, ASEAN liên tiếp được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 – nơi đưa ra hầu hết các quyết sách điều hành nền kinh tế toàn cầu; các cơ chế hợp tác của ASEAN với các bên đối tác như ARF cũng đặt khối này vào vị trí trung tâm để bàn bạc các vấn đề khu vực và quốc tế.
Với cơ chế Cấp cao Đông Á mở rộng mà ASEAN là bên đề xướng và nắm vai trò chủ động, khối này đã chứng tỏ vị trí trung tâm không chỉ trong khuôn khổ khu vực Đông Nam Á mà còn mở rộng ra Đông Á. Việc tham dự vào các cơ chế này cho thấy vị thế ASEAN đã được cộng đồng quốc tế công nhận và khối này đã trở thành một đối tác quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế. Sự tham dự vào các cơ chế hợp tác quốc tế hiện thời còn chứng tỏ ASEAN rất năng động và tích cực thay đổi để ứng phó với tình hình mới nhằm duy trì sự phát triển liên tục của khối.
Sau 17 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tích cực. Trong đó phải kể đến những thành tựu cụ thể như đóng góp vào việc hoàn thiện ý tưởng về một Hiệp hội gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, rồi việc tổ chức thành công hai Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 1998 và 2010. Với tư cách là một thành viên của ASEAN, Việt Nam nhận được sự trợ giúp cũng như tích cực hợp tác với các nước thành viên khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra sáng kiến thiết thực.
Trong bối cảnh các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đang dần hoàn tất, với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực này nhằm thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của các nước thành viên, đóng góp vào nền hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực./.