Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp ngày 16/5, Tổng thống Armenia Serge Sarkissian và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev khẳng định cam kết duy trì lệnh ngừng bắn tại Nagorno-Karabakhvà thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho những tranh cãi về lãnh thổ, dẫn tới các cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng 4 vừa qua.  

pho_armenia_mrfn.jpg
Binh sĩ Armenia nổ pháo tấn công binh sĩ Azerbaijan. Ảnh EPA

Hai nhà lãnh đạo cũng đặt ra mục tiêu tổ chức một cuộc gặp cấp cao vào tháng 6 tới để  thống nhất lộ trình nối lại các cuộc đàm phán về một giải pháp toàn diện cho những căng thẳng hiện nay.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nhóm hòa giải quốc tế Minsk, với Nga, Mỹ và Pháp là đồng chủ tịch có lý do để tin rằng, các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan đang hướng tới việc tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ những nỗ lực này bằng mọi cách có thể.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan kể từ khi cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakhbùng phát hồi đầu tháng 4 vừa qua làm ít nhất 110 người thiệt mạng, trong đó có cả dân thường.

Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, cơ quan có công lớn trong việc thúc đẩy Armenia và Azerbaijan ngồi vào bàn đàm phán, đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm căng thẳng tại khu vực  giới tuyến giữa hai nước.

Các cuộc xung đột hồi tháng 4 vừa qua được xem là tồi tệ nhất kể từ sau lệnh ngừng bắn đầu tiên đạt được hồi năm 1994, sau một cuộc chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của 30.000 người và khiến hàng trăm nghìn người phải sống tị nạn, chủ yếu là người Azerbaijan.

Cả Azerbaijan và Armenia đều nhiều lần  khẳng định mong muốn giải quyết hòa bình cuộc xung đột, những lại vẫn kiên quyết với lập trường của mình đối với vùng lãnh thổ tranh chấp này.

Tổng thống Azerbaijan Aliev nói: “Giải pháp cho cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan cần phải dựa trên các tiêu chuẩn của luật pháp  quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc, các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và những tuyên bố liên quan. Các vùng lãnh thổ của chúng tôi cần phải được giải phóng và người dân của chúng tôi cần phải có cơ hội  để trở về nhà của mình”.

Mỹ, Nga và Pháp- 3 nước trung gian hòa giải cho cuộc xung đột trong khuôn khổ sứ mệnh của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu- hy vọng, những nỗ lực ngoại giao tại Vienna sẽ không chỉ cho phép ổn định khu vực ranh giới, mà còn giúp khôi phục các cuộc đàm phán về quy chế của Nagorno-Karabakh.  

Khu vực có đông người Armenia sinh sống này mặc dù đã tuyên bố ly khai, song không được cộng đồng quốc tế công nhận và vẫn coi đây là một vùng lãnh thổ thuộc Azerbaijan. Chính vì thế, bất chấp lệnh ngừng bắn năm 1994, các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra, với mức độ và quy mô ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cả Azerbaijan và Armenia đều bác bỏ trách nhiệm là bên khơi mào cuộc chiến, làm gia tăng bất ổn tại một khu vực chiến lược đối với hoạt động vận chuyển khí đốt từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông. 

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, với nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột như hiện nay,  nếu  những tranh chấp này không  sớm được hóa giải thì tác động của nó sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, lôi kéo nhiều tác nhân và dẫn tới bất ổn khu vực Nam Kavkaz, gồm Armenia, Azerbaijan và Gruzia vốn có một lịch sử không mấy êm đẹp.

Không chỉ thế, căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia cũng có tác động không nhỏ tới các mối quan hệ quốc tế, mà trước mắt có thể làm xấu hơn  quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có nhiều va chạm thời gian gần đây và đang có những lập trường khác nhau về vấn đề này./.