15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (21/7) bắt đầu bỏ phiếu kín quyết định ai sẽ là tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kế nhiệm ông Ban Ki-moon kể từ tháng 1/2017. Kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên này không được công bố công khai nhưng sẽ được thông báo cho Chính phủ các nước đã đề cử các ứng cử viên.Ứng viên Bồ Đào Nha Guterres cho chiếc ghế Tổng thư ký LHQ. Ảnh: portugal-india.com.
Có tổng cộng 12 ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đa số là các nước Đông Âu - khu vực chưa từng có người giữ chức vụ đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Từng nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ý kiến của mình về từng ứng viên. Họ có thể dành lá phiếu “khuyến khích” hay “không khuyến khích” đối với một ứng viên nào đó hoặc tuyên bố “không có ý kiến”.
Phát biểu sau cuộc họp kín đầu tiên, ông Koro Bessho, Đại sứ Nhật Bản, đồng thời là Quyền Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết: “Vòng bỏ phiếu đầu tiên quyết định Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tiếp theo vừa diễn ra. Các ứng viên sẽ được thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu này thông qua các đại diện thường trực tương ứng của các quốc gia thành viên đã đưa ra đề cử. Theo tôi nghĩ, chúng ta vừa có một cuộc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ, và đây là một thủ tục rất hữu ích.”
Kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho thấy cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đang là ứng viên số 1 cho vị trí tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, theo sau là cựu Tổng thống Slovenia Daniel Turk và bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO đang giữ vị trí số 3.
Kết quả này dường như không theo dự đoán ban đầu khi nhiều ý kiến trước đó cho rằng đại diện của Macedonia - cựu Ngoại trưởng Srgjan Kerim là người được đánh giá nhỉnh hơn cả. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ năm 2007 - 2008, thông thạo tới 9 ngoại ngữ, với cương lĩnh tranh cử đề cao việc hướng tới tạo dựng niềm tin và quan hệ đối tác giữa các quốc gia, qua đó tái thiết những vùng đất bị chiến tranh tàn phá.
Ngoài ra, ứng cử viên nữ được đánh giá là “nặng ký nhất” là bà Bokova lại chỉ dành vị trí thứ 3. Nhà lãnh đạo này được đánh giá là ứng viên nữ tiềm năng nhất trong bối cảnh bình đẳng giới là một vấn đề được Liên Hợp Quốc quan tâm từ lâu và nhiều nước thành viên thời gian qua đã kêu gọi cần phải có một nữ Tổng thư ký. Hơn nữa, bà Bokova lại là đại diện tới từ khu vực Đông Âu và có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo quy định, tiến trình bầu chọn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của Hội đồng Bảo an và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong thể chế đa phương này sẽ đề cử ứng viên duy nhất để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua.
Tuy nhiên, điểm mới của tiến trình bầu chọn người đứng đầu Liên Hợp Quốc năm nay là 12 ứng cử viên đều phải công khai thể hiện năng lực của bản thân.
Năm nay cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của Liên Hợp Quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm Tổng thư ký được dựa trên các nguyên tắc minh bạch. Các quốc gia thành viên được quyền tiến cử người mình chọn, còn các ứng cử viên thì phải nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở phiên điều trần công khai của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhằm giành phiếu của các phái đoàn từ 193 quốc gia.
Đợt bỏ phiếu thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức vào tuần tới và vài đợt nữa sẽ được tổ chức trước khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9 tới. Theo kế hoạch, ứng viên cuối cùng được lựa chọn vào tháng 10 và nhậm chức vào ngày 1/1/2017.
Cho dù là ai vinh dự đảm nhiệm cương vị tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng sẽ phải đối mặt với các nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức vốn thường trực với tổ chức này, đó là chấm dứt tình trạng đói nghèo, biến đổi khí hậu, xây dựng hòa bình trên thế giới, tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Nhà tân lãnh đạo này cũng được kỳ vọng sẽ phải là người có khả năng cải tổ Liên Hợp Quốc - tổ chức lớn nhất hành tinh vốn đang bị cho là trì trệ, kém hiệu quả, đặc biệt trong việc xử lý tình hình chiến sự ở Syria, sự chậm trễ trong việc ứng phó dịch Ebola, hay vụ bê bối liên quan tới lạm dụng tình dục của những binh sĩ gìn giữ hòa bình ở châu Phi./.