Hôm qua (12/7), 10 trong số 12 ứng cử viên tranh cử vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã có cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới.

ttky_hcmh.jpg
Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark (phải), cựu Tổng Thư ký Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu Christiana Figueres (trái) và cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk là những ứng cử viên sáng giá cho cương vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Đây là cuộc tranh cử Tổng Thư ký minh bạch, đa dạng đầu tiên trong lịch sử 70 năm qua của Liên Hợp Quốc, khi các ứng cử viên tranh luận công khai và trực tiếp thể hiện năng lực bản thân.

10 ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận hôm 12/7 được chia đều thành 2 nhóm và trả lời trực tiếp các câu hỏi của khán giả truyền hình về các vấn đề từ phong cách lãnh đạo tới biến đổi khí hậu, cuộc nội chiến tại Syria và gần đây là tình hình xung đột bùng phát tại Nam Sudan-nơi Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ người dân.

Theo quy định trước đây, Hội đồng Bảo an sẽ họp kín để đề cử ứng viên duy nhất trình lên Đại hội đồng thông qua. Tuy nhiên, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2015 đã ban hành Nghị quyết bãi bỏ việc giữ kín quá trình tuyển chọn này, yêu cầu các ứng viên nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở phiên điều trần.

Hội đồng Bảo an vẫn giữ quyền đề cử ứng cử viên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, song những thay đổi này giúp các ứng viên có cơ hội công khai chứng tỏ năng lực cũng như trình bày các kế hoạch hành động của mình nếu đắc cử. Quy trình minh bạch và đa dạng này sẽ là áp lực với Hội đồng Bảo an trước khi đưa ra quyết định đề cử cuối cùng và buộc phải lựa chọn cẩn trọng người xứng đáng.

Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an sẽ họp kín vào tuần tới để lựa chọn ra ứng cử viên cuối cùng cho cương vị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thay thế ông Ban Ki-moon, người sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay./.