Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon, 70 tuổi, là Tổng Thư ký thứ 8, lên nhậm chức vào tháng 1/2007, sẽ mãn nhiệm vào ngày 31/12/2016. Theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký mới sẽ được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lựa chọn từ đề xuất của Hội đồng Bảo an.

hoi_dong_bao_an_echj.jpg
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp kín cùng các ứng viên tranh cử vị trí Tổng Thư ký mới.

Lần đầu họp kín với từng ứng viên

Phát biểu với các phóng viên tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nhật Bản Koro Bessho, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7, xác nhận vòng 1 của cuộc họp kín lựa chọn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã diễn ra.

Các ứng viên sẽ được thông báo kết quả của cuộc họp kín thông qua đại sứ đại diện thường trực tại Liên Hợp Quốc của chính quốc gia có ứng viên tham gia tranh cử.

Theo ông Bessho, cuộc họp kín lần một này chỉ nhằm giúp các ứng viên “hình dung về vị thế của mình trong cuộc tranh cử và thông báo với các thành viên Hội đồng Bảo an rằng cuộc tranh cử đã bắt đầu”.

Theo đó, 12 ứng viên chính thức sẽ có dịp họp kín với các nước thành viên Hội đồng Bảo an. Đây cũng là lần đầu tiên các cuộc họp kín như thế này được tổ chức nhằm lựa chọn Tổng Thư ký mới. Trước đó, Hội đồng Bảo an đã gặp 3 ứng viên trong tháng 6 và sẽ gặp hết các ứng viên còn lại trong tháng 7.

Theo ông Bessho, kết quả các cuộc họp kín sẽ không được công khai nhằm “đảm bảo tính công bằng và bảo mật trong quá trình bỏ phiếu”.

Hiến chương của Liên Hợp Quốc không quy định chi tiết về việc Tổng Thư ký mới được lựa chọn như thế nào ngoài Điều 97, trong đó ghi rõ “Tổng Thư ký mới sẽ được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lựa chọn từ đề xuất của Hội đồng Bảo an”.

Quy trình bầu chọn từ năm 1946-nay

Tại cuộc họp đầu tiên năm 1946, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết A/RES/1/11 trong đó cho phép Hội đồng Bảo an thực hiện quá trình lựa chọn ban đầu và chỉ định một ứng viên duy nhất trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an để đệ trình lên Đại Hồi đồng Liên Hợp Quốc để bỏ phiếu thông qua.

Kể từ năm 1946 đến trước cuộc họp kín với các ứng viên lần này, Hội đồng Bảo an đã thực hiện đúng Nghị quyết A/RES/1/11 bằng việc họp kín để các thành viên ủng hộ hay không ủng hộ một ứng viên nào trước khi ra quyết định cuối cùng.

Tiến trình này được gọi là “Quy trình Wisnumurti”- được đặt theo tên Đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc Nugroho Wisnumurti- người giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 11/1996 khi quy trình này bắt đầu được thực hiện.

Năm 2016, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định đóng vai trò chủ động hơn trong quá trình lựa chọn Tổng Thư ký mới nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử, các ứng viên sẽ phải đệ trình bản khai lý lịch cùng kinh nghiệm của bản thân trước khi tham gia họp các cuộc họp không chính thức cùng Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Trước đó, Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc tranh luận có truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới tại Phòng họp lớn của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó 10 trong số 12 ứng viên trả lời câu hỏi do các nhà ngoại giao và công chúng đưa ra. 2 ứng viên không tham gia được sự kiện này được yêu cầu gửi trước thông điệp bằng video để đăng tải trong dịp này.