Đề xuất này dựa trên một điều luật theo đó cấm các tổ chức phi chính phủ thành lập các nhóm bán quân sự.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi cơ quan Công tố Ai Cập chuyển Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi cho Tòa án hình sự nước này để xét xử về tội danh kích động bạo lực và giết hại người biểu tình.

Sở dĩ Tổ chức Anh em Hồi giáo phải đăng ký hoạt động với tư cách là 1 tổ chức phi chính phủ tháng 3 vừa qua là nhằm tránh bị tòa án giải tán do hoạt động ngoài vòng pháp luật hàng chục năm trời trước khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011.

Ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo còn rất mạnh tại Ai Cập (Ảnh Reuters)

Tổ chức này cũng đang phải đối mặt với cáo buộc của Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Nagwa Khalil về tội chứa chấp vũ khí và có liên quan tới các nhóm dân quân.

Tuy nhiên nhiều người dân Ai Cập cho rằng, việc giải tán Tổ chức Anh em Hồi giáo không phải là một biện pháp mới hoặc có tính hiệu quả hơn bởi phong trào này từng bị quân đội giải tán năm 1954 nhưng vẫn hoạt động và phát triển đến ngày nay.

Anh Ali Kandil, một người dân Cairo cho rằng: “Tôi không nghĩ ai đó có thể loại trừ Tổ chức Anh em Hồi giáo chỉ bằng cách giải tán họ. Thực tế điều này rất dễ dàng, và quân đội cũng đã từng làm, nhưng họ lại liên kết với các Tổ chức Anh em Hồi giáo ở nước ngoài và nhận được sự hỗ trợ đáng kể.”

“ Xung đột tư tưởng nên được giải quyết bằng lý luận tư tưởng. Nếu bị giải tán họ sẽ lại tiếp tục hoạt động bí mật. Do đó, nên có quy định cấm sử dụng tôn giáo tín ngưỡng trong chính trị để ngăn chặn các hoạt động ngầm.”

Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng bị gạt ra khỏi Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 2012 gồm 50 thành viên “được cho là đại diện của tất cả các thành phần xã hội và tôn giáo” do Tổng thống lâm thời Adly Mansour chỉ định hôm 1/9.

Một năm trước, đại diện của Tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm tới 80% trong ủy ban này, nhưng nay khi ông Morsi đã bị truất quyền thì phong trào này cũng “thất thế”.

Thay vào đó, Nhà thờ Hồi giáo Al-Azhar- cơ quan quyền lực cao nhất của dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập - và Đảng Salafist Nour được cử làm đại diện cho phe Hồi giáo.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, sự vắng mặt của Tổ chức Anh em Hồi giáo không ảnh hưởng đến việc tái khởi động tiến trình chính trị mới này, từ soạn thảo hiến pháp đến tổ chức các cuộc bầu mới.

Một nhà quan sát của Ủy ban tự do luật sư Syndicate nhận định: “Tôi không cho rằng, sự vắng mặt của Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ ảnh hưởng tới ủy ban soạn thảo hiến pháp, đặc biệt khi một thành viên là cựu lãnh đạo của phong trào này. Về mặt lý thuyết thì cũng có người đại diện cho tương tưởng của họ, ngoài ra còn có đảng Hồi giáo Salafist Nour”.

Mặc dù vậy, không thể phớt lờ thực tế rằng Tổ chức Anh em Hồi giáo bị giải tán thì vẫn còn Liên minh quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo đứng đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi giáo.

Liên minh này kêu gọi người dân tham gia cuộc biểu tình "triệu người" dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay với tên gọi "Đảo chính là khủng bố". Cuộc biểu tình này nhằm đánh dấu 2 tháng sau cuộc "đảo chính" lật đổ chính quyền của Tổng thống Morsi.

Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp cũng kêu gọi người ủng hộ mở rộng phạm vi chiến dịch "bất tuân dân sự" hiện nay với các hành động như chống lại lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đồng thời nhấn mạnh, những gì mà người dân Ai Cập chứng kiến trong thời gian qua không phải là cuộc "cách mạng" mà là một cuộc "đảo chính".

Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp cho biết, những người ủng hộ Liên minh ở châu Âu đã thu thập các bằng chứng về các "tội ác" của những người cầm đầu cuộc "đảo chính" để trình lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Những diễn biến này cho thấy, gạt bỏ Tổ chức Anh em Hồi giáo ra khỏi guồng quay của chính trường Ai Cập là việc không dễ dàng và càng không phải là giải pháp khả thi mà chỉ tiếp tục đổ thêm dầu vào chảo lửa Ai Cập./.