Hãng tin Reuters ngày 16/1 đưa tin, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra trong 2 ngày 14,15/1 cho thấy, đại đa số người dân Ai Cập ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới, động thái có thể mở đường cho Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Abdel Fattah al-Sisi ra tranh cử Tổng thống.

kiem-phieu1.jpg
Công tác kiểm phiếu tại 1 địa điểm bỏ phiếu ở thủ đô Cairo (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan thông tấn nhà nước và các quan chức Chính phủ Ai Cập cho biết, có khoảng 90% cử tri Ai Cập bỏ phiếu đồng thuận thông qua bản Hiến pháp mới.

Trả lời phỏng vấn của AFP, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Bộ Nội vụ Ai Cập, Thiếu tướng Abdel Fattah Othman cho biết, tỷ lệ ủng hộ dự thảo Hiến pháp gần như tuyệt đối.

Phát biểu với kênh truyền hình Al-Hayat, ông Othman nói: “Tới nay, số lượng người tham gia trưng cầu dân ý có thể đạt hơn 55% và tỷ lệ người ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp có thể hơn 95%”.

Con số thống kê nói trên dường như đã nằm trong dự đoán của nhiều người. Bản dự thảo Hiến pháp được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Ai Cập – những người ủng hộ về quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào tháng 7/2013. Hầu như không có bất kỳ 1 chiến dịch phản đối quy mô nào của những người bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) – lực lượng đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý lần này chắc chắn sẽ không công nhận những con số thống kê nói trên. Anh em Hồi giáo trước đó đã cáo buộc, cuộc trưng cầu dân ý chính là 1 phần của cuộc đảo chính chống lại nhà lãnh đạo được bầu thông qua con đường dân chủ, Mohamed Morsi.

Theo Reuters, trong 2 ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, đụng độ bạo lực giữa những người ủng hộ ông Morsi với cảnh sát đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 người tại tỉnh miền Bắc Sohag và 4 người khác tại tỉnh Giza nằm sát thủ đô Cairo.

Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Ai Cập cho hay, có 444 người đã bị bắt giữ trong 2 ngày bỏ phiếu.

Trước đó, Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập dẫn một nguồn tin an ninh tiết lộ, lực lượng an ninh đã bắt giữ 1 nhóm người khi họ âm mưu sử dụng vũ khí và bom xăng để phá hoại cuộc bỏ phiếu quan trọng này.

Ngày 14/1, cử tri Ai Cập đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới trong bối cảnh bạo lực và các mâu thuẫn chính trị chưa có lối thoát. Đây là bước đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này sau cuộc chính biến hôm 3/7/2013 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi./.