Hai thợ lặn người Anh đã tìm thấy tất cả 13 người an toàn trên bãi đá ngầm trong 1 hang động lớn thuộc hệ thống hang động Tham Luang ở tỉnh miền Bắc Chiang Rai.

doi_bong_thai_lan_mac_ket_xywa.jpg
Đội bóng thiếu niên Thái Lan được tìm thấy mắc kẹt trong hang. (Ảnh: AFP)

Nhưng vấn đề hiện nay là làm thế nào đưa được tất cả nạn nhân ra khỏi hang trong khi nước đang dâng cao còn bùn thì cản trở nhân viên cứu hộ tiếp cận đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt. Sức khỏe của các nạn nhân sau 9 ngày bị mắc kẹt cũng là mối quan ngại lớn.

Các nhân viên cứu hộ có thể xem xét một số phương án để cứu các cầu thủ nhí và huấn luyện viên như sau:

Lặn

“Phương án đưa các em ra ngoài bằng cách lặn là nhanh nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất” – Anmar Mirza, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Cứu hộ Hang động Mỹ, chia sẻ với kênh BBC.

Hàng trăm bình oxy phục vụ thợ lặn giải. (Ảnh: AFP)

Các thợ lặn của Hải quân Thái Lan, 3 thợ lặn hang động hàng đầu của Anh và quân nhân Mỹ đã nỗ lực hết sức để tìm thấy đội bóng bị mắc kẹt trong hang động. Tổng cộng có hơn 1000 người được huy động tham gia chiến dịch giải cứu này, trong đó có những người đến từ Anh, Trung Quốc, Myanmar, Lào và Australia.

Tuy nhiên, đến các thợ lặn lành nghề cũng phải cần đến vài giờ mới di chuyển được từ lối vào đến chỗ của đội bóng bị mắc kẹt qua một lối đi rất nhỏ và đầy chướng ngại vật trong khi những cậu bé này chưa bao giờ được học lặn. Hiện đội cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian để bơm nước ra khỏi hang.

“Phương án lặn là cực kỳ rủi ro và mạo hiểm” - Edd Sorenson, điều phối viên của tổ chức quốc tế Cứu hộ Hang động dưới nước và Phục hồi (IUCRRO) chia sẻ ý kiến với kênh BBC, cho rằng đây “chắc chắn chỉ là phương án cuối cùng”.

“Đưa một người nào đó qua một địa hình không thông thuộc và không nhìn thấy bất cứ gì, hoàn cảnh khắc nghiệt đó sẽ khiến người ta rất dễ hoảng loạn và có thể tự giết chết bản thân mình và có khi cả người cứu hộ” – ông Sorenson cho biết.

Khoan

Nhà chức trách Thái Lan đã thử cách khoan các lỗ lên vách hang động để tháo bớt nước trong hang nhưng lớp đá dày cản trở nỗ lực này.

Cũng có những ý kiến cho rằng khoan có thể là một cách để tiếp cận đội bóng thiếu niên và đưa các em ra ngoài.

Nhà chức trách Thái Lan đã khoan một vài lỗ để thoát nước. (Ảnh: AFP)

Nhưng để bắt đầu kế hoạch này thì cần phải mở một con đường mới bên trên hang động để các trang thiết bị hạng nặng có thể tiếp cận và khoan qua lớp đá siêu dày.

Trên hết, chuyên gia Mirza chỉ ra rằng, nhà chức trách Thái Lan cần phải khảo sát xung quanh hang động thì mới biết có thể đặt mũi khoan ở đâu, nếu không sẽ có nguy cơ họ khoan trúng một lỗ ngay trên chỗ đội bóng nhí đang tạm trú.

“Nghe có vẻ dễ nhưng việc khoan thực sự rất khó” – ông Mirza nói. “Đây là vấn đề mò kim đáy bể”.

Tiếp tục tiếp tế

Trong một cuộc họp báo, tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Narongsak Osottanakorn cho biết, họ sẽ tiếp tục vừa bơm nước ra khỏi hang động, vừa đưa bác sỹ và y tác vào để kiểm tra sức khỏe cho các cậu bé và huấn luyện viên của các em.

 Một bệnh viện dã chiến đã được dựng ngoài hang. (Ảnh: AFP)

“Nếu bác sỹ nói rằng điều kiện sức khỏe của họ đủ để có thể di chuyển thì chúng tôi sẽ đưa họ ra ngoài hang động” – ông Narongsak cho biết.

Tuy nhiên, ông Mirza cho rằng sức khỏe của những người bị mắc kẹt có thể rất nguy kịch. “Sau 9 ngày không có thức ăn, chúng ta sẽ phải xem xét rất kĩ việc họ ăn gì”. Những người bị thiếu thức ăn trong thời gian dài có thể gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và nếu không được cung cấp thức ăn một cách hợp lý thì có thể bị trụy tim hoặc hôn mê.

Ông Mirza cho rằng, nếu cả đội bóng đang ở trên cao, an toàn khỏi nước lũ dâng thì phương án tái tiếp tế cho họ có thể là điều tốt nhất bây giờ.

Chuyên gia Sorenson cũng chia sẻ quan điểm đó. “Tôi nghĩ họ nên đưa thức ăn, nước uống, hệ thống lọc và khí oxy vào nếu cần. Giờ đây họ đã có ánh sáng và hy vọng, vì thế tôi nghĩ chờ đợi chừng nào họ còn được tiếp tế, khiến họ cảm thấy thoải mái, ấm áp, được ăn và được uống là tốt nhất”./.