Ngày 3/6, khoảng 18.000 binh sĩ của 18 nước, chủ yếu là các nước thành viên NATO, đã bắt đầu cuộc tập trận hàng năm do Mỹ chỉ huy tại Ba Lan và các nước vùng Baltic nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu tại sườn phía đông của khối.

Mục tiêu chính của đợt tập trận thứ tám mang tên Tấn công quân sự (Sabre Strike) kéo dài tới ngày 15/6 là huấn luyện và thực hành khả năng tác chiến của bốn tiểu đoàn chiến đấu đa quốc gia trong các sứ mạng trên bộ của NATO tại bốn quốc gia thành viên.
Theo đó, Mỹ sẽ chỉ huy một tiểu đoàn tại Ba Lan, trong khi Anh, Canada và Đức chỉ huy ba tiểu đoàn còn lại tại Estonia, Latvia, và Litva.

nt_15280160731091991100953_fxdv.jpg
Quân nhân Mỹ trong một cuộc tập trận tại Ba Lan năm 2017 (Ảnh: AFP)

Đợt tập trận này diễn ra sau khi có tin Bộ quốc phòng Ba Lan đề xuất sự hiện diện vĩnh viễn của một đơn vị tăng thiết giáp của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan, và Warszawa dự kiến sẽ đóng góp từ 1,5 đến 2 tỉ USD để thực hiện kế hoạch này.

Nga ngay lập tức đã đáp trả đề xuất trên, cho rằng bất kỳ việc triển khai quân NATO như vậy sẽ không có lợi cả về an ninh và ổn định cho châu Âu.

Ba Lan luôn kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện của mình tại sườn phía đông của khối để đối phó với mối đe dọa mà họ cho rằng có thể có từ phía Nga.

Tháng 5 năm ngoái, NATO đã thiết lập một trụ sở chỉ huy tại Ba Lan để chỉ huy khoảng 6 nghìn quân tham gia các sứ mạng của NATO và Mỹ trong khu vực. Đây là một trong những đợt triển khai quân đội Mỹ lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh, thể hiện cam kết của NATO đối với các đồng minh ở sườn phía đông luôn kêu gọi có sự trợ giúp của NATO trước các đợt tập trận thường xuyên của Nga gần biên giới nước mình.

Trong Phiên họp Mùa Xuân của Hội đồng nghị viện NATO tại Warszawa vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã đề nghị NATO cần phải có thêm các cấu trúc chỉ huy hiệu quả hơn, bao gồm cả lực lượng chiến đấu trên bộ, để tăng cường năng lực răn đe và phòng vệ của khối.

Ông cũng cho rằng quyết định tăng cường an ninh tại sườn phía đông của khối được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Xứ Wales và Ba Lan vừa qua đã được thực hiện và không thể đảo ngược được./.