Theo bản báo cáo, cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng gồm bạo lực, suy giảm kinh tế và đại dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều gia đình ở Syria vô cùng bi đát. Cứ 3 gia đình có đến 2 gia đình cho biết, họ không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất như ăn, mặc.
Trẻ em là đối tượng bị tác động nặng nề nhất. Ước tính có đến 90% trẻ em đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Gần 5 triệu trẻ em được sinh ra ở Syria trong vòng 10 năm qua và hơn 1 triệu trẻ em được sinh trong các trại tị nạn, ngoài Syria. Hàng triệu trẻ em này không biết đến bất cứ điều gì ngoài chết chóc, li tán và tàn phá. Số trẻ em bộc lộ những hội chứng căng thẳng tâm lý – xã hội đã tăng gấp đôi trong năm 2020.
Sự kết hợp của các yếu tố bạo lực, suy giảm kinh tế và đại dịch Covid-19 đã làm tăng đáng kể rủi ro cho cả trẻ em trai và trẻ em gái, khiến các em phải dùng đến các cơ chế đối phó tiêu cực như tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em ở Syria.
Dẫn số liệu đã được xác minh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Syria Bo Viktor Nylund cũng cho biết, từ giữa năm 2011 đến năm 2020 có những trẻ em ở 7 tuổi ở Syria đã được tuyển làm lính. Trong giai đoạn 2011-2020, hơn 1.300 cơ sở giáo dục và y tế ở quốc gia Trung Đông này trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.
Hệ quả là giáo dục ở Syria đang phải đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại: “Nền giáo dục ở Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Chúng ta chứng kiến 3,5 triệu trẻ em thất học, trong đó 40% là trẻ em gái. Chúng ta không thể dự đoán được tác động của vấn đề này đối với các em, với cộng đồng và cả đất nước Syria trong những năm tới.”
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Syria kêu gọi khoản tiền 1,4 tỷ USD trong năm 2021 để hỗ trợ người dân quốc gia Trung Đông này./.