Vào những ngày giữa tháng 3 của 10 năm về trước, từ những cuộc biểu tình nhỏ, bạo lực và xung đột chính thức nổ ra và lan rộng trên toàn đất nước Syria “xinh đẹp và cổ kính”. Sau 10 năm, cuộc chiến ở Syria đến nay vẫn chưa có hồi kết. Những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề. Kỷ niệm 10 năm xung đột, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua (10/3) đã kêu gọi các bên đẩy nhanh tiến trình hòa bình và xây dựng hiến pháp mới ở Syria, mang lại cuộc sống hòa bình thực sự cho người dân.
Đánh dấu 10 năm cuộc chiến ở Syria, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an diễn ra hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gọi cuộc chiến ở Syria là “ác mộng giữa đời thường”.
“10 năm về trước, từ các cuộc biểu tình bạo lực, Syria đã bị đẩy vào một cuộc chiến kinh hoàng. Sau một thập kỷ xung đột, giữa thời điểm thế giới xảy ra đại dịch Covid-19, Syria đã rời khỏi bản đồ thế giới và tình hình ở Syria vẫn là “ác mộng giữa đời thường”.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, chiến tranh ở Syria đến nay đã khiến 500.000 người chết, hơn 1 triệu người khác bị thương và một nửa dân số nước này phải tha hương, trong số này có đến 5 triệu người phải tị nạn ở nước ngoài. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, cộng thêm sự lan rộng của dịch Covid-19, cuộc sống của người dân Syria vô cùng khó khăn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận định những gì mà người dân Syria phải chịu đựng đã vượt quá sức chịu đựng của con người, có thể gây sốc “lương tâm của nhân loại”. Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay. Ông kêu gọi đẩy nhanh tiếp cận hỗ trợ nhân đạo và chuyển giao lương thực, cũng như các khoản hỗ trợ cho người dân tại khu vực biên giới và giữa các khu vực xung đột ở Syria.
Vào thời điểm tròn 10 năm cuộc chiến ở Syria, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi các bên đẩy nhanh tiến trình hòa bình và xây dựng hiến pháp mới ở Syria, xem đây là giải pháp để Syria trở lại bản đồ chính trị thế giới, mang lại cuộc sống hòa bình thực sự cho người dân.
“Các bên có cơ hội thể hiện thiện chí tìm kiếm điểm chung và nhận thức rõ nhu cầu của người dân mong muốn thoát khỏi cuộc xung đột hiện nay. Đây là con đường dẫn đến một giải pháp nhằm đáp ứng những khát khao hợp pháp của tất cả người dân, tạo điều kiện cần thiết cho người tị nạn được hưởng an toàn và quyền con người cơ bản, cũng như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của đất nước Syria”.
Sau một thập kỷ chiến tranh khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người phải đi sơ tán, chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran. Tuy nhiên, hậu quả cuộc chiến vẫn còn đó. Hậu quả nhãn tiền là 60% dân số nước này đứng trước nạn đói. Hạ tầng cơ sở bị tàn phá nặng nề. Để khôi phục lại một đất nước Syria, chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều năm nữa với sự chung tay của cộng đồng thế giới./.