Phát biểu tại một hội nghị do Hiệp hội Kỹ sư Hải quân Mỹ tổ chức, ông Jon Hill nói rằng, hải quân đã có khả năng nắm bắt tên lửa siêu thanh của đối phương bằng cách sử dụng các cảm biến hiện có: “Chúng tôi có thể phát hiện ra và thu thập dữ liệu về những tên lửa đó”.

Song ông thừa nhận, những cảm biến này không phải lúc nào cũng ở nguyên một vị trí, bởi chúng được thiết kế một phần để sử dụng cho không gian chiến đấu”. Ông nói thêm: “Chúng tôi có tên lửa SM-6 với nhiều năng lực mới để đối  đầu với tên lửa siêu thanh”.

Tên lửa phòng không dẫn đường SM-6 hay tên lửa chủ động tăng tầm RIM-174 (Extended Range Active Missile - ERAM) do tập đoàn Raytheon phát triển, được trang bị cho Hải quân Mỹ vào năm 2013. Ngoài vai trò chính chống lại máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa, hệ thống này còn được coi là vũ khí chống hạm.

Tuy vậy, SM-6 vẫn chưa được thử nghiệm chống lại mục tiêu siêu thanh do quân đội Mỹ chưa có tên lửa siêu thanh ở thời điểm hiện tại. Trước đó vào năm 2016 và 2017, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã thử nghiệm vũ khí này chống lại hai mục tiêu đạn đạo tầm trung và cả 2 lần thử nghiệm đều thành công./.