Đại diện cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam cho rằng để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng, cũng như để xây dựng uy tín cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, Chính phủ Việt Nam cần cho thấy những kết quả cụ thể trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi một phương pháp đấu tranh tập trung và hướng tới các kết quả cụ thể hơn.

ba_nga_tr_iknn.jpg
Bà Đào Thị Nga (Ảnh do TT cung cấp)
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Đào Thị Nga – Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) cho rằng Chính phủ cần tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công được coi là thường xảy ra tham nhũng nhất như y tế, giáo dục, đất đai...

PV:Thưa bà, với tư cách là đại diện cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam, Tổ chức Hướng tới minh bạch nhìn nhận thế nào về những nỗ lực phòng chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam trong năm qua?

Bà Đào Nga: Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) ghi nhận các quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN), thể hiện ở những nỗ lực cải thiện cả khuôn khổ pháp lý lẫn hiệu quả hoạt động của các cơ quan PCTN. Điển hình là việc ban hành Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật sửa đổi Luật PCTN năm 2012 và nhiều văn bản dưới luật qui định các vấn đề công khai minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, hay như hiện nay là tiến trình sửa đổi Bộ Luật Hình sự, dự thảo Luật tiếp cận thông tin và chuẩn bị đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTN. Về mặt thể chế, mô hình Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN trước đây trực thuộc chính phủ đã được thừa nhận là không hiệu quả và được thay thế bằng hệ thống Ban Nội chính, trực thuộc Đảng.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cảm nhận của doanh nghiệp, người dân và các chuyên gia về tham nhũng ở Việt Nam không thay đổi, và người dân vẫn chưa tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng quốc gia. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Đảng và Chính phủ rằng công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết.

PV: Có thể nói quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng rất lớn nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết được vấn đề bức xúc này, theo bà cần tập trung đẩy mạnh những yếu tố nào?

Bà Đào Nga: Để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân, cũng như để xây dựng uy tín cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, Chính phủ cần cho thấy những kết quả cụ thể trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi một phương pháp đấu tranh tập trung và hướng tới các kết quả cụ thể hơn.

Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công được coi là thường xảy ra tham nhũng nhất như y tế, giáo dục, đất đai...

Để tăng cường tính minh bạch, Việt Nam cần sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin. Bộ luật này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.

Trong năm 2015, Việt Nam có thể sẽ thông qua Bộ Luật Hình sự sửa đổi và có kế hoạch đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, chúng tôi cho rằng mọi thay đổi đối với hai văn bản luật này cần đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với các yêu cầu trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là một thành viên.

Để tăng cường hiệu quả của việc thực thi pháp luật, không những sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cần được cải thiện, mà các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cũng cần được gia tăng quyền hạn, đồng thời phải đảm bảo trách nhiệm giải trình. Chính phủ nên cân nhắc việc chỉ định một cơ quan với đầy đủ chức năng, thẩm quyền, sự độc lập và năng lực để điều hành, điều phối và chịu trách nhiệm giải trình về công tác thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng.

PV: Tăng cường sự giám sát của nhân dân được xem là biện pháp để phát hiện ngăn chặn tham nhũng. Nhưng trên thực tế người dân rất khó nói ra những vấn đề “tế nhị” như vậy? Vậy cần phải có cơ chế gì để khuyến khích, thưa bà?

Bà Đào Nga: Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ trong việc khuyến khích và tăng cường sự tham gia của người dân trong PCTN, cụ thể là có các cơ chế khen thưởng, khuyến khích người tố cáo. Tuy nhiên, như kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, phần thưởng không phải là yếu tố quyết định việc người dân có muốn và sẵn sàng tố cáo tham nhũng hay không. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để người dân tin rằng tố cáo sẽ đem lại kết quả và rằng họ sẽ an toàn khi tố cáo.

Theo chúng tôi, vấn đề đặt ra đầu tiên là cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền trong việc giải quyết đơn thư tố cáo để chứng tỏ cho người dân thấy rằng việc họ tố cáo tham nhũng sẽ đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực. Báo cáo về PCTN của mỗi các cơ quan công quyền cần bổ sung thêm 1 phần thống kê các đơn thư tố cáo tham nhũng nhận được hàng năm và kết quả xử lý các đơn thư đó như thế nào, và công khai để người dân biết. Chúng tôi tin rằng, những hành động thiết thực và kịp thời của các cơ quan công quyền là giải pháp tốt nhất giúp khôi phục lòng tin và tăng cường sự tham gia của người dân.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các qui định của pháp luật, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của mỗi cơ quan chức năng, qui trình và cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo; đồng thời cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin pháp luật về tố cáo tới người dân để họ hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của mình.

PV: Trước thềm năm mới, bà có kỳ vọng gì vào công cuộc phòng chống tham nhũng của Chính phủ?

Bà Đào Nga: Tôi nghĩ rằng mặc dù cuộc đấu tranh PCTN còn chưa đạt được kết quả như mong muốn cũng như còn rất nhiều khó khăn thách thức nhưng chúng ta cần lạc quan, nỗ lực hành động và tin tưởng vào kết quả trong tương lai. Nếu Chính phủ thực sự quyết tâm chống tham nhũng và biến quyết tâm đó thành những hành động thiết thực, cụ thể; và nếu mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hay tổ chức xã hội cùng chung tay, góp sức vào cuộc đấu tranh này thì tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công, tình hình tham nhũng sẽ được cải thiện.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!./.