Kết quả khảo sát của Viện Khoa học thanh tra, trực thuộc Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho thấy, có 73,3% ý kiến người dân và 66,9% ý kiến của đối tượng cán bộ công chức cho rằng có tiêu cực xảy ra trong việc triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo. Cả hai đối tượng này đều có chung đánh giá hành vi sử dụng nguyên liệu kém chất lượng và bớt xén nguyên liệu trong quá trình thi công công trình là hành vi tiêu cực phổ biến nhất. Khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu cho thấy nguy cơ trong việc thất thoát, lãng phí khi triển khai các dự án xóa đói, giảm nghèo xuất phát từ chính quy định của các chương trình, dự án.

hoi_thao_xdvr.jpg
TS Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra chia sẻ kết quả nghiên cứu khảo sát
Một kết quả đáng chú ý của nhóm nghiên cứu cho thấy có 19,9% người dân không phản ánh, kiến nghị với các tổ chức giám sát cộng đồng khi biết được hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực trạng này xuất phát từ 3 lý do chính: 32,9% trong số đó sợ bị trả thù; 40% không biết phản ánh, kiến nghị với ai, cơ quan nào; đặc biệt 24,3% nghĩ việc phản ánh của họ không có hiệu quả. Đây cũng là một trong những lý do khiến khá nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa được phát giác, xử lý, dẫn tới hạn chế hiệu quả phòng ngừa tham nhũng của hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đối với các dự án xóa đói giảm nghèo.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên lề cuộc họp, bà Fiona Quinn, Phó Trưởng ban Phát triển, Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội, cơ quan hỗ trợ Viện Khoa học Thanh tra tiến hành nghiên cứu, cho rằng kết quả khảo sát đã đưa ra được những phát hiện và kiến nghị quan trọng đồng thời phản ánh bài học kinh nghiệm từ công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Trong những phát hiện đó có vấn đề chính sách còn chồng chéo do các bộ, ban ngành khác nhau ban hành, thậm chí có những chính sách ban hành đối ngược nhau trong khi năng lực ở cấp địa phương còn hạn chế.

Bà Fiona Quinn - Phó Trưởng Ban Phát triển, Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội
** Bà nhìn nhận thế nào về kết quả nghiên cứu khảo sát hoạt động giám sát của cộng đồng đối với các dự án xóa đói giảm nghèo của Viện Khoa học Thanh tra vừa công bố?

Bà Fiona Quinn: Tôi có đôi chút thất vọng khi biết về kết quả đánh giá trong khảo sát này, nhưng tôi hiểu rằng đây là công việc phức tạp, nên dù sao đó cũng là những kết quả nghiên cứu rất đáng khích lệ.

** Những kết quả giám sát đó theo bà có ảnh hưởng thế nào tới công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam?

Bà Fiona Quinn: Điều ấn tượng đối với tôi là Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc giám sát những lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng. Đây là bước đầu, và điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm ra những lĩnh vực yếu kém để cải thiện.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà ở Ireland hay bất cứ quốc gia nào, khi nhận được nguồn đầu tư, tài trợ lớn ở địa phương, đặc biệt là những dự án về hạ tầng, luôn có nguy cơ xảy ra tham nhũng do một số người trục lợi vì mục đích cá nhân chứ không vì lợi ích của cả cộng đồng.

** Là cơ quan cũng có nhiều hỗ trợ cho các dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, từ những kết quả khảo sát trên, bà có khuyến nghị gì cho các cơ quan chức năng của Việt Nam?

Bà Fiona Quinn:Tôi nghĩ, điều quan trọng là quyết tâm từ phía Chính phủ để xác định những khu vực hay xảy ra tình trạng tham nhũng để phòng chống. Các bộ ngành cũng phải chịu sức ép chống tham nhũng từ phía Chính phủ và đôi khi họ cũng có những hạn chế trong công tác này.

Chúng tôi cũng đang thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật về giảm nghèo bền vững với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cơ quan Phát triển của LHQ UNDP. Trong khuôn khổ hoạt động, dự án giúp hỗ trợ kỹ thuật từ cấp trung ương xuống địa phương về giảm nghèo bền vững Kết quả khảo sát lần này đã đưa ra một số khuyến nghị hay ở cấp địa phương.  Do đó, trong quá trình đi giám sát tại một số địa phương sắp tới, chúng tôi cũng sẽ thảo luận và trao đổi ý kiến với chính quyền địa phương về các vấn đề đặt ra tại hội thảo hôm nay.

** Kết quả khảo sát cho thấy một trong những tồn tại trong quá trình giám sát của cộng đồng đó là người dân nói rằng họ không biết phải kiến nghị với ai, có người sợ bị trả thù và quan trọng hơn là họ không có lòng tin trong việc tố cáo. Bà có suy nghĩ gì về những tồn tại này, theo bà có thể cải thiện được không?

Bà Fiona Quinn:Trong quá trình giám sát cộng đồng, nhiều người dân không sẵn sàng chia sẻ thông tin về tham nhũng. Có tới gần 20% người khảo sát nói rằng họ rất sợ khi chia sẻ thông tin về tham nhũng mặc dù có biết thông tin này, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, do e ngại hay sợ sệt.

Một trong những cơ chế để hạn chế điều này đó là phải minh bạch hóa các thông tin cho quần chúng và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội cũng như các tổ chức cộng đồng, các tổ chức ở cấp thôn bản để giúp quần chúng nói lên ý kiến của mình và cung cấp thông tin, đặc biệt là phụ nữ.

Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả ở Ireland, phụ nữ cũng ngại phát biểu ý kiến. Chính vì vậy mà chúng tôi cũng đã hỗ trợ một dự án về thúc đẩy bình đẳng giới nhằm giúp phụ nữ nâng cao vai trò và vị thế của mình trong xã hội.

** Trân trọng cảm ơn bà./.