Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương đề nghị tiến hành đánh giá, tổng hợp báo cáo việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, đơn vị phải thống kê thông tin về: số vụ việc người tố cáo bị trả thù, đe dọa trả thù; số người tố cáo đã bị trả thù; số người bị xử lý bằng các biện pháp hành chính do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo; số người bị xử lý hình sự do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo,… Từ đây đưa ra những phân tích, đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo vệ người tố cáo hiện hành xem đã bảo đảm cho việc bảo vệ có hiệu quả người tố cáo chưa? Tính khả thi của các biện pháp hiện hành? Còn những sơ hở, bất cập gì làm giảm hiệu quả của chính sách?...
Chị Hoàng Thị Nguyệt (phải) đã mất rất nhiều công sức và cả nước mắt để vạch trần sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: Hồng Ngân)
“Có cần phải xây dựng quy định riêng về bảo vệ người tố cáo tham nhũng hay áp dụng chung các quy định hiện hành hành về bảo vệ người tố cáo?”- Thanh tra Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành, địa phương.
Tại buổi tọa đàm nhân Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) và Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức ngày 12/12/2014 vừa qua, đại diện TI đã công bố một nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 1/3 người dân sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Theo đại diện TI, đây là tỷ lệ khá thấp so với các nước trong khu vực mà nguyên nhân do các quy định về việc bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam còn chung chung, khó thực hiện, trong khi đó người dân còn e ngại hoặc sợ bị trả thù.
Tại buổi tọa đàm, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, để người dân thực sự chủ động hơn, tham gia tích cực vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị, thời gian tới đơn vị này sẽ có các giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng./.